Hai chàng trai khiếm thị đi về phía mặt trời

Hai chàng trai khiếm thị đi về phía mặt trời
TP - Câu chuyện cảm động về đôi bạn khiếm thị Nguyễn Văn Dung và Phạm Văn Phú cùng là sinh viên Khoa Luật, ĐH Khoa học Huế giống như một câu chuyện cổ tích thời hiện đại. Ông trời đã cho họ gặp nhau, dìu dắt nhau tiến lên phía trước.  
Hai chàng trai khiếm thị đi về phía mặt trời ảnh 1
Phú và Dung luôn có nhau trên mọi chặng đường

Sinh ra và lớn lên ở thôn Lập An, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Huế) trong một gia đình có tới 8 người con, Phạm Văn Phú không chỉ được mọi người biết đến bởi sự đam mê cháy bỏng với nghệ thuật, mà họ còn biết đến kỳ tích vượt khó trong học tập.

Gia đình Phú rất nghèo, căn nhà cấp 4 đơn sơ nằm ở thôn Lập An ấy là nơi mà 10 con người chui vào chui ra. Hằng ngày để có tiền cho 8 người con ăn học, bố mẹ Phú đã phải vất vả mưu sinh với đủ nghề khó nhọc mà vẫn không đủ, nợ nần chồng chất.       

Bất hạnh chồng chất lên bất hạnh sau khi Phú bị tai nạn giao thông. Bao nhiêu của cải trong nhà đều đã bán hết để chữa trị cho Phú. Không lâu sau vụ tai nạn kinh hoàng ấy, Phú lại bị nước sôi té vào mắt trong lúc nấu ăn. Đôi mắt từ ấy chỉ nhìn thấy lờ mờ.

“Từ khi mắt bị mù, Phú cảm thấy chán nản lắm. Nhưng mỗi khi nghe thấy tiếng mẹ khóc hằng đêm vì nợ nần mình đã tự hứa với bản thân là phải học và học cho thật giỏi để mẹ vui lòng” - Phú tâm sự.    

Còn Nguyễn Văn Dung sinh ra trong một gia đình chài lưới rất nghèo ở thôn Thủy Diện, xã Phú An, huyện Phú Vang (Huế). Tuổi thơ của Dung là chuỗi ngày vật lộn với bao nỗi lo toan cơm áo. Để có tiền đi học, chàng trai nghèo khiếm thị bẩm sinh đã mưu sinh với đủ nghề khó nhọc.

Với Dung những tháng ngày đầu trần chân đất đội mưa đội gió qua hàng chục cây số đường đến trường; những buổi tối theo bạn lang thang ở các quán hàng xin ăn, bán vé số; những đêm dài nằm ở gầm cầu Da Hội do đi bán báo về khuya là những kỷ niệm không thể quên trong đời. Ngoài giờ lên lớp, Dung còn lần mò để giúp bố mẹ mọi việc trong gia đình, cậu có thể nhặt rau, nấu ăn, quét nhà, giặt giũ quần áo… rồi dạy học cho 2 em.      

Gặp Dung trước cổng trường, khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, cậu lần mò theo tiếng nói rồi nắm chặt tay tôi, tâm sự: “Anh nhìn là biết, đi học đối với những sinh viên bình thường khác đã mệt, đối với em lại càng cực hơn. Gia đình Dung thật bất hạnh, 4 người bị mù lòa, bố mẹ không nghề nghiệp, ngày nào cũng vất vả lam lũ trên sông nước.

Nợ nần chồng chất, những lúc nghĩ về bản thân và gia đình Dung buồn lắm. Nhưng nghĩ lại thương bố mẹ, thương bản thân mình, Dung lại cắn răng chịu đựng để bám trường bám lớp đi học. Không còn cách nào khác là phải cố lên vì mình, vì người thân”.    

Cùng dắt nhau qua những ngày gian khó

Ngày Nguyễn Văn Dung bước vào năm thứ ba đại học thì Phạm Văn Phú cũng thi đậu đại học với 17,5 điểm. Trước khi bước vào cánh cổng đại học, Phú và Dung từng là đôi bạn khiếm thị rất thân thiết khi cả hai cùng ở với nhau trong một ngôi nhà mang tên: Hội người mù tỉnh Thừa Thiên - Huế. Giờ đây họ lại gặp nhau trong giảng đường, cùng chung một khoa và tình bạn lại nảy nở.

Mỗi lúc Phú gặp khó khăn trong cuộc sống, Dung thường an ủi vỗ về. Dung lớn tuổi hơn, nên Phú học hỏi được rất nhiều điều. Dung chỉ bài, giúp Phú học chữ nổi, truyền đạt kinh nghiệm học tập. Không phụ lòng bạn, Phú mặc dù chỉ nhìn thấy mọi vật xung quanh lờ mờ, nhưng ngày nào cũng dìu Dung (khiếm thị bẩm sinh) đi học.

Dung và Phú mỗi lúc gặp khó khăn trong cuộc sống đều khuyên nhủ nhau một câu: “Khi tất cả đã mất đi thì tương lai vẫn còn. Chúng ta còn sống thì còn cống hiến cho xã hội”. Tuy nhà nghèo lại bị tật nguyền, nhưng Phú và Dung đều ham học và học rất giỏi. Sự cần cù, vượt khó cộng với ham học hỏi đã giúp Dung 2 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi của Khoa Luật. Không chỉ có vậy, Dung còn đạt Huy chương Vàng môn cờ vua tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc.

Còn với Phú, một lúc học hai trường. Dù đang theo học trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Huế năm cuối, nhưng ước mơ trở thành một luật sư giỏi ấp ủ từ lâu đã thôi thúc Phú thi đậu đại học năm nay. Tại Đại hội điền kinh dành cho Hội người mù cả nước, Phú đã xuất sắc giành Huy chương Vàng về cho tỉnh.

Để hái được quả ngọt như hôm nay, hai bạn đã phải trải qua một chặng đường dài cay đắng. Do là những sinh viên khiếm thị, nên chuyện học của Dung và Phú cũng rất đặc biệt. Cách học tốt nhất của hai bạn là đến lớp tập trung cao độ nghe thầy cô giảng rồi cố gắng học cho thuộc lòng tại lớp.

Đi học, Dung thường mang theo máy ghi âm để ghi lại lời giảng viên rồi về nhà mở ra để học. Ngoài ra họ phải học chữ nổi. Hai chàng sinh viên khiếm thị này đã bỏ ra rất nhiều thời gian để học chữ Braille (chữ nổi dành cho người khiếm thị). Để hiểu bài và bổ sung kiến thức cho ngành học của mình, Dung và Phú đến nhà thầy cô, bạn bè rồi nhờ họ lấy tài liệu ra đọc cho nghe.     

Tình bạn của Dung và Phú giống như chuyện cổ tích vậy. Từ trong đau khổ và thiệt thòi, họ đã tìm đến với nhau để cùng hòa vào một khối, tiếp thêm sức mạnh để vượt qua số phận bất hạnh của mình.

Đinh Tiến Giang
Báo chí k29- ĐHKH Huế

MỚI - NÓNG