Các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng, chim hải âu đang tấn công các con cá voi non khi chúng nổi lên trên mặt nước để hít thở và ăn mỡ trên lưng của những động vật biển có vú này. Chim hải âu cũng có thể đang góp phần dẫn đến tỉ lệ tử vong cao bất thường ở cá voi non - hiện tượng bắt đầu xảy ra trong vài năm trở lại đây.
Mặc dù chim hải âu lần đầu tiên được ghi nhận cắn xé thịt trên lưng cá voi phương nam vào những năm 1970, nhưng các cuộc tấn công kiểu này dường như đã trở nên dữ dội hơn trong thời gian qua. Chim hải âu hiện đậu lên lưng cá voi, dùng mỏ của chúng khoét đục các mảng da và mỡ trên lưng nạn nhân.
Các toán chim hải âu thường săn đuổi cá voi, tấn công những động vật biển "khủng" này bất kỳ khi nào chúng nổi lên trên mặt nước để hít thở. Các cuộc tập kích dường như đặc biệt tác động đến cá voi mẹ và cá voi con do chúng thường dành nhiều thời gian nghỉ ngơi trên mặt biển hơn.
Theo các nhà nghiên cứu, số lượng cá voi mẹ và con có thương tích trên lưng do bị hải âu tấn công, đã tăng từ 2% trong những năm 1970 lên tới 99% vào năm 2011.
Viết trên tạp chí Public Library of Science One, tiến sĩ Carina Marón, một nhà sinh vật học đến từ Đại học Utah (Mỹ) và các đồng nghiệp tiến hành nghiên cứu, cho biết: "Tần suất các vụ tấn công của hải âu đã tăng lên đáng kể trong vòng 3 thập niên qua và các cặp cá voi mẹ - con là mục tiêu tấn công chính của chúng. Các cặp cá voi bị chim tấn công dành ít thời gian săn sóc, thư giãn và chơi đùa hơn những cặp không bị tập kích.
Theo nghiên cứu, hiện có tới 99% cá voi mẹ và con bị thương tích trên lưng do bị chim hải âu tấn công. Ảnh: Daily Mail
Trong các cuộc tấn công liên tiếp, chim hải âu tạo ra các thương tích mới trên lưng cá voi hoặc mở rộng các vết thương đã có từ trước. Thương tích tăng lên có thể dẫn đến sự mất nước, suy giảm khả năng điều hòa thân nhiệt và tổn hao năng lượng để hàn gắn vết thương ở cá voi".
Mặc dù tình trạng gia tăng các vụ hải âu tấn công cá voi xảy ra trùng với thời điểm gia tăng nhanh chóng số lượng cá voi con chết được tìm thấy, nhưng tiến sĩ Marón nói rất khó để biết hải âu có phải là thủ phạm trực tiếp giết hại cá voi hay không. Chuyên gia này nhận định, có khả năng là việc bị thương tích do chim hải âu tấn công khiến cá voi con phải chịu đựng stress tăng cao. Điều đó khiến chúng dễ bị tổn thương trước nhiều yếu tố khác hơn và cuối cùng là dễ bị chết hơn.
Hồi đầu năm nay, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện, chim hải âu đã học được cách tấn công hải cẩu lông trên bờ biển công viên quốc gia Dorob ở Namibia. Những con chim táo tợn đã khoét mắt hải cẩu non, rồi để mặc nó chết gục trên bờ biển trước khi quay trở lại chén thịt nó.