Ngày 3/10, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý III/2024.
Thông tin về thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết đến hết 26/9 trên địa bàn có 100.000 cây bị gãy, đổ bao gồm cây đô thị và các loại cây khác), trên 23.000 ha lúa bị gẫy, đổ, dập nát, trên 3.000 con gia súc bị chết, trên 600.000 con gia cầm bị chết, thất lạc…
Cây cổ thụ đổ sau bão được trồng lại quanh hồ Hai Bà Trưng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). |
Về cây đổ, Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thành phố đã chỉ đạo triển khai phương án trồng dựng lại tại chỗ khoảng 3.418 cây xanh. Trong đó có khoảng hơn 100 cây quý hiếm, cây di sản, cây được bảo tồn và cây cổ thụ, chuyển về vườn ươm để chăm sóc khoảng 580 cây.
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến cây trồng nguyên vỏ bầu gãy đổ sau bão, ông Nguyễn Đức Hưng - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, việc trồng cây được UBND TP Hà Nội quyết định về quy trình định mức kỹ thuật, kích thước hố, kích thước bầu cũng được quy định rõ ràng, độ sâu quy định rõ ràng. "Nội dung này đã được Sở Xây dựng trả lời rất kỹ năm 2014, vấn đề cây và bầu cây cũng được đưa ra", ông Hưng nói.
Ông Nguyễn Đức Hưng - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội trả lời câu hỏi của báo chí |
Ông Hưng thông tin thêm, năm 2014 Sở Xây dựng đã một lần rà soát, tìm những cây không được dỡ bầu khi trồng. Đợt này bão vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện 12 cây còn bọc bầu đất bị đổ. Trong đó có 7 cây có bầu bọc là lưới, vật liệu không tiêu huỷ, 5 cây bọc vỏ bằng vỏ bao xi măng. "12 cây này cơ quan chức năng đang tìm chủ đầu tư để truy hỏi về trách nhiệm. Những cây bọc rễ như vậy sẽ không phát triển được, rất dễ đổ. Cây trồng phi kỹ thuật cũng đổ gần hết sau đợt bão vừa qua", ông Hưng khẳng định.