Hà Nội tiếp tục bố trí nguồn vốn lớn phát triển nông nghiệp năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năm 2022, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục định hình phát triển nền nông nghiệp trong lòng Thủ đô bằng cách tận dụng được hàm lượng trí tuệ cao nhờ nguồn lực kinh tế thành phố hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp.

Ngày 13/1, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2022. Dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, năm 2021, dù chịu tác động lớn từ dịch COVID-19 cũng như dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi song ngành Nông nghiệp Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2021 toàn thành phố đạt khoảng 39.569 tỷ đồng, tăng 3,46% so với năm trước. Trong đó, giá trị của nhóm lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đạt gần 36.114 tỷ đồng, chiếm 91,3%; thủy sản 3.356 tỷ đồng, chiếm 8,5%; lâm nghiệp 98,4 tỷ đồng, chiếm 0,2%.

Đáng chú ý, hầu hết các lĩnh vực nông nghiệp đều có giá trị sản xuất tăng trong năm 2021. Điển hình như lĩnh vực trồng trọt, dù tổng diện tích gieo trồng cây năm 2021 đạt khoảng 231.557ha, giảm 1,57% so với năm trước, nhưng nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sản lượng lương thực có hạt năm 2021 vẫn tăng 0,9%. Chăn nuôi trên địa bàn thành phố nhìn chung ổn định. Tổng đàn tiếp tục tăng đã giúp sản lượng thịt hơi các loại của Hà Nội trong năm 2021 đạt tới 405.417 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước...

Một điểm sáng của ngành Nông nghiệp là toàn thành phố có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội tiếp tục gặt hái được kết quả nổi bật. Hiện, toàn thành phố đã đăng ký 595 sản phẩm để Hội đồng của thành phố tiến hành đánh giá, phân hạng. Dự kiến, thành phố sẽ có thêm ít nhất 400 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, qua đó, nâng tổng số sản phẩm OCOP của Hà Nội lên con số hơn 1.500.

Đặc biệt, đến nay thành phố đã có 382/382 xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới; 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số huyện đạt chuẩn nông thôn mới lên 16 huyện…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, ngành nông nghiệp Hà Nội cần định hình rõ hướng phát triển - đó là nền nông nghiệp trong lòng Thủ đô. Theo đó, cần khai thác tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới tư duy, sáng tạo trong triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra… Ngành nông nghiệp cần tận dụng được hàm lượng trí tuệ cao, trong khi nguồn lực kinh tế thành phố hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp là khá lớn… Ngoài ra, Hà Nội cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào phát triển các loại giống cây trồng, vật nuôi, đưa Hà Nội trở thành trung tâm cung ứng giống cho các tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, ông Quyền lưu ý ngành nông nghiệp cần cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng phù hợp với phát triển đô thị; tập trung chăn nuôi theo quy hoạch, quy mô tập trung, kiểm soát chặt vấn đề môi trường; nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển các vùng chuyên canh tập trung, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến sâu và xuất khẩu; mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; nâng cao năng lực dự báo thị trường…

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.