Trong tình thế khó khăn, doanh nghiệp và người dân đều bí giải pháp tiêu thụ thanh long. Ảnh: T.H. |
Phải chuyên nghiệp hơn
Ngày 6/1, Bộ NN&PTNT phối hợp với nhiều tổ chức, sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố tổ chức Diễn đàn kết nối nông sản 970. Thông tin được đưa ra tại diễn đàn cho biết, hiện các cửa khẩu, đường mòn lối mở của các tỉnh phía Bắc buộc phải đóng cửa bởi chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc.
Hàng nghìn xe chở nông sản, đặc biệt là sản phẩm rau quả vẫn ùn ứ ở cửa khẩu, cùng hàng nghìn lượt xe khác đang phải quay đầu về tìm cách tiêu thụ ở nội địa. Theo ước tính của các tỉnh, hiện có đến 300.000 tấn đang vào vụ thu hoạch và chưa có hướng cụ thể để tiêu thụ.
Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit cho biết, bên phía Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Việt Nam về việc nên xuất khẩu thanh long theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam không theo khuyến cáo và chỉ xuất đi đường bộ chứ không xuất theo đường biển. Từ đó dẫn tới việc khó khăn trong xuất khẩu thanh long hiện nay do Trung Quốc thực hiện “Zero COVID”.
Theo đó, ông Nguyễn Khắc Huy khuyến cáo các doanh nghiệp cần giải quyết vấn đề thiếu vỏ container để chuyển qua hình thức xuất khẩu qua đường biển. Bên cạnh đó, các đơn vị cần khắc phục vấn đề khử khuẩn quả thanh long và các thùng hàng.
Bên cạnh đó, việc xuất khẩu trái cây sang các thị trường khó tính như Nhật Bản hay Hàn Quốc có quy định rất nghiêm ngặt về vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa có những quy định này nhưng Việt Nam cần lưu ý, để đến lúc Trung Quốc đưa ra yêu cầu vẫn sẵn sàng đáp ứng được.
Ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) nhận định: Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, việc xuất khẩu hoa quả tươi gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, những sản phẩm chế biến công tác xuất khẩu vẫn diễn ra tương đối thuận lợi. Hiện tại, một ngày công ty đang nhập 3-5 container xoài quay đầu từ các cửa khẩu do không xuất được sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, một khó khăn hiện nay mà công ty đang gặp phải là giá cước vận tải tăng cao, việc tìm những vỏ container đông lạnh đưa hàng hóa đi các thị trường xa đang gặp khó khăn…
Thay đổi tư duy, đa dạng thị trường
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong những năm qua, xuất khẩu mặt hàng rau, hoa quả vươn lên trở thành một ngành hàng mũi nhọn, năm 2021 đạt giá trị xuất khẩu 3,52 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP đã ký kết thực thi; các quốc gia nhập khẩu đưa ra các quy định ngày càng chặt chẽ về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; rủi ro thiên tai và dịch bệnh động thực vật và dịch bệnh trên người (COVID-19 bùng phát và lây lan với nhiều biến chủng Delta, Omicron) đang đặt ra yêu cầu, thách thức rất lớn đối với hoạt động xuất khẩu nông sản nói chung, thanh long nói riêng.
Với thanh long, đây vẫn là hoa quả xuất khẩu chính sang thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Năm 2021, xuất khẩu thanh long đạt hơn 998 triệu USD, đóng góp tỷ trọng rất lớn trong xuất khẩu. Thời gian tới, các địa phương, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên tận dụng tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh cho biết, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa mang tính chất bổ trợ, không cạnh tranh nhau. Thời gian qua, các đơn vị, công ty của Nhật Bản rất mong muốn được kết nối với doanh nghiệp Việt Nam để nhập khẩu sản phẩm trái cây tươi cũng như sản phẩm chế biến.
Ông Tạ Đức Minh cho biết thêm, nhóm nông sản xuất khẩu sang Nhật Bản có trị giá khoảng 1,6 tỷ USD. Từ năm 2009, Nhật Bản cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, năm 2017 thanh long ruột đỏ cũng được cấp phép tại Nhật. Ông Minh lưu ý, một số sản phẩm nông sản xuất khẩu từ Việt Nam sang bị phát hiện vi phạm liên quan đến dư lượng, tiêu chuẩn, sai chủng loại... nếu phía Việt Nam không kiểm soát tốt chất lượng sẽ bị cấm xuất khẩu, việc gỡ bỏ lệnh cấm rất mất thời gian.
Ông Minh đưa ra khuyến cáo và lưu ý: Việt Nam nên tăng xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu sang thị trường Nhật Bản. Nhật Bản có hệ thống phân phối tại thị trường nội địa phức tạp, trong khi những sản phẩm nông sản của Việt Nam có thời gian bảo quản ngắn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định: Thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, quy định ngặt nghèo. Chính vì vậy, bên phía Việt Nam cần xác định nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn là vấn đề quan trọng số 1 hiện nay. Đồng thời, chúng ta cần thay đổi tư duy “quá phụ thuộc vào một thị trường” sang “đa dạng thị trường”.
Ông Trần Thanh Nam nêu vấn đề, hiện nay, các sản phẩm trái cây như thanh long, xoài, dưa hấu, mít… đang gặp khó khăn trong tiêu thụ qua đường bộ. Đường thủy lại vướng mắc việc thiếu vỏ container. “Vì vậy, các đơn vị cần đồng hành, phối hợp tháo gỡ, không đổ thừa trách nhiệm. Tất cả đều phải vào cuộc vì thương hiệu nông sản Việt”, Thứ trưởng Nam khẳng định.
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, tỉnh này có khoảng 26 nghìn tấn thanh long cần tiêu thụ, chủ yếu bán cho thị trường Trung Quốc. Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An đã kiến nghị Bộ NN&PTNT đàm phán với Hải quan Trung Quốc ký kết Nghị định thư về việc giảm tỉ lệ kiểm tra, kiểm dịch; xây dựng cơ chế kiểm tra, thống nhất cơ chế giám sát an toàn thực phẩm đối với các lô hàng nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Dương Hưng