Hà Nội: Tết năm nay không thiếu đào Nhật Tân

Hà Nội: Tết năm nay không thiếu đào Nhật Tân
TP - Hầu như những ai tôi gặp ở đất đào Nhật Tân đều cho rằng, đào năm nay không thiếu mặc dù có chuyện thất bát. “Thực chất chỉ có 2,4 ha đào bị hỏng do ngập nước chứ không phải 24 ha như một số báo đưa.
Hà Nội: Tết năm nay không thiếu đào Nhật Tân ảnh 1

Người dân hy vọng đào Nhật Tân năm nay sẽ thắng lớn. Trong ảnh: Anh Đỗ Văn Lan - Giám đốc Cty cổ phần trang trại hoa đào Nhật Tân tưới nước cho vườn đào nhà mình. Ảnh: Quốc Dũng

Nghe tin “Hoa Đào Nhật Tân” vẫn chưa được bảo hộ độc quyền, người đại diện cho bà con vùng đào Nhật Tân (Hà Nội) buồn ra mặt, nhưng phương án lần đầu tiên gắn “Nhãn hiệu tập thể Hoa Đào Nhật Tân” lên sản phẩm hoa đào Tết năm nay vẫn thực hiện theo tiến độ.

Ngay đầu đường làng nâng cấp thành phường mới mấy năm là hàng cây đào trụi lá trong giá rét đầu tiên của đông năm nay. Nơi đây, chỗ nào thò ra tí đất, chỗ đó có đào.

Mấy hôm vừa rồi, dân tình xôn xao đào Nhật Tân mất mùa, bà con càng ra sức chăm bẵm. Ban lãnh đạo Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Nhật Tân (HTX) càng hối hả tiến độ gắn thương hiệu Hoa Đào Nhật Tân.

May nhờ người quen, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Trọng Mẫn mới đồng ý tiếp tôi đúng vào chính ngọ hôm qua. Mở đầu chuyện về Hoa Đào Nhật Tân, anh cho biết đấy là “nhãn hiệu tập thể”.

Chủ sử hữu là HTX và ban quản lý HTX là đại diện. Chủ nhiệm HTX ký vào tờ khai yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa gửi lên Cục Sở hữu Trí tuệ ngày 18/4/2006.

Phấn khởi nhận Giấy Chứng nhận Bản quyền Tác giả do Cục Bản quyền Tác giả Văn hóa & Nghệ thuật cấp không lâu sau đó, ngày 25/4/2006, cả HTX hối hả vào guồng.

Hơn 700 hộ trồng đào với tổng diện tích đất trồng đào gần 300.000m2 trên địa bàn Nhật Tân là đối tượng đích của quy ước và quy định được soạn thảo bởi bà con trồng đào, ban quản lý HTX, và đại diện các ban ngành.

Căn cứ vào quy định ngặt nghèo, anh Đỗ Văn Lan, chủ một trong những vườn đào chất lượng nhất Nhật Tân, ước may ra có một phần ba trong tổng số đào Nhật Tân được gắn thương hiệu.

Quy định tiêu chuẩn sản phẩm hoa đào Nhật Tân, cụ thể là bích đào và đào phai, được gắn “Nhãn hiệu tập thể Hoa Đào Nhật Tân”:

- Hoa phải đỏ thắm, nhụy vàng, mỗi bông có 16 cánh hoa trở lên, đường kính ngoài của hoa tối thiểu đạt 2cm, cánh hoa dày.

- Hoa có dăm ngắn, dày, màu diệp lục đỏ nâu.

- Có nụ hoa mập, phân bố đều trên dăm.

- Đầu dăm có lộc (còn gọi là chồi). Tỷ lệ dăm có lộc trên cây là 15-20%.

“Để có thể được bảo hộ độc quyền cụm từ Hoa Đào Nhật Tân cho riêng sản phẩm hoa đào Nhật Tân và để quản lý được chất lượng sản phẩm, HTX cần làm đơn gửi lên Cục Sở hữu Trí tuệ xin đăng ký bảo hộ quyền sử hữu trí tuệ nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý kiểu như Bưởi Năm Roi, Gốm Bát Tràng, Nước mắm Phú Quốc, v.v...”, ông Trần Việt Hùng – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, nói.

Đến thời điểm này, “Nhãn hiệu tập thể...” đang được tư vấn là Trung tâm Kiến trúc Phong cảnh cho in thử. Để tránh làm giả, vật liệu nhãn hiệu làm bằng nhựa thay vì bằng giấy.

Đối diện với mặt ghi các thông tin cần thiết của sản phẩm theo quy định chung, ở mặt sau, nhãn hiệu được trình bày theo phong cách thư họa. Nền nhãn hiệu màu đỏ.

Bốn chữ Hoa Đào Nhật Tân được viết theo thể thư pháp. Riêng hoa đào và cánh hoa, Phó Chủ nhiệm Mẫn cho biết, phản ánh đậm nét đặc trưng của hoa đào Nhật Tân.

“Trước mắt, chúng tôi không tin nhãn hiệu này bị làm giả”, anh Mẫn nói, “Nhãn hiệu sẽ được quản lý chặt từng chiếc một và được chính người có trách nhiệm đến tận nơi gắn vào cây đào sau khi được phê duyệt”.

Vẫn theo anh Mẫn, để tránh nguy cơ nhãn hiệu bị dùng sai mục đích và sai đối tượng, HTX cho thành lập ba bộ phận gồm hội đồng phê chuẩn, ban quản lý, và thanh tra giám sát nội bộ.

Nhiệm vụ của ba bộ phận này là làm sao tất cả các vườn đào được chủ vườn đăng ký được kiểm tra từng cây và toàn bộ quá trình từ lúc nhãn hiệu được gắn đến lúc người tiêu dùng được giám sát.

“Tuần tới chúng tôi sẽ cho tập huấn cả ba bộ phận này và thảo luận lần cuối công việc in nhãn hiệu”, anh Mẫn nói tiếp, “Việc gắn nhãn hiệu dự kiến bắt đầu từ Rằm tháng Chạp”.

Hà Nội: Tết năm nay không thiếu đào Nhật Tân ảnh 2
Nhãn hiệu tập thể Hoa đào Nhật Tân (ảnh trái) Đào Nhật Tân trụi lá, tích lũy năng lượng chờ ngày nở hoa

Tính đến cuối tuần này, mới có 85 trong tổng số hơn 700 hộ đăng ký gắn nhãn hiệu cho vườn đào nhà mình. “Gia đình tôi chỉ còn độ 100 gốc đào nhưng tôi chưa đăng ký.

Phần vì chưa rõ thể lệ, phần vì tự thấy đào của mình chưa được chăm sóc kỹ”, anh Nguyễn Văn Hồng (tổ 20, cụm 3, phường Nhật Tân) thành thật mặc dù đất đào nhà anh đang ở trong đê chứ không phải ngoài bãi.

“Cũng nhiều hộ chưa ổn định về tâm lý sau khi phải chuyển vườn đào từ trong đê ra bãi nên cũng chưa quan tâm đến đăng ký”, Phó Chủ nhiệm Mẫn nói.

Điều anh buồn nhất có lẽ là cụm từ Hoa Đào Nhật Tân chưa được bảo hộ. “Lâu nay, chúng tôi cứ hiểu ngược lại”.

Giấy Chứng nhận Bản quyền Tác giả của Cục Bản quyền Tác giả Văn học-Nghệ thuật ngày 25/4/2006 hóa ra chỉ chứng nhận “Hình thức thể hiện trên nhãn sản phẩm Hoa Đào Nhật Tân”, tương đương với ứng dụng một sản phẩm mỹ thuật ứng dụng.

Điều đó có nghĩa là, theo ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, bất cứ ai vẫn có quyền sử dụng cụm từ Hoa Đào Nhật Tân miễn là hình thức trình bày không giống với hình thức đã đăng ký của HTX.

“Nhưng chúng tôi vẫn không hoãn kế hoạch”, Phó Chủ nhiệm Mẫn chắc nịch.

Chỉ chờ gió đông chứ không thiếu đào

Hầu như những ai tôi gặp ở đất đào Nhật Tân đều cho rằng, đào năm nay không thiếu mặc dù có chuyện thất bát. “Thực chất chỉ có 2,4 ha đào bị hỏng do ngập nước chứ không phải 24 ha như một số báo đưa.

Chúng tôi chỉ có tổng cộng 29,5 ha cả trong và ngoài bãi. Nếu từng ấy đào chết, làm sao có thể thấy đào khắp nơi như anh vừa đi qua”, anh Mẫn phân trần, thông tin sai lệch trên báo chí khiến anh bị cấp trên phê bình kịch liệt cho đến khi được thanh minh.

Anh Đỗ Văn Lan, một trong những trùm hoa đào ở Nhật Tân, cười lớn khi thấy tôi tỏ ra lo lắng đi đâu cũng thấy những cây, cành đào Nhật Tân trụi lá, đen sì dưới trời âm u, giá lạnh.

Hóa ra, giờ đang là lúc cây đang tích lũy năng lượng để chờ ngày nở hoa. “Năm nay nhuận, rét xuân sẽ kéo dài đến sau Tết. Chúng tôi tính hết rồi. Anh đến đây từ hôm 28/10 Âm lịch (10/12 dương lịch) sẽ thấy cây được suốt lá khắp nơi.

Hà Nội: Tết năm nay không thiếu đào Nhật Tân ảnh 3
Anh Đỗ Văn Lan - GĐ Cty Cổ phần trang trại hoa đào Nhật Tân đang chăm chút vườn đào

Nhặt từng chiếc lá một ra khỏi nụ như nhặt tiền. Cả làng làm liên tục 10 ngày. Cuối tháng này anh sẽ thấy hàng đống chấm đỏ nhú lên từ những thân cây xám xịt kia”.

Chỉ tay ra vườn, anh cho biết, bà xã và một chị ở làng hoa Ngọc Hà (Hà Nội) dày dạn kinh nghiệm chăm hoa đang nhặt từng chiếc lá trên cây mai cũng để chuẩn bị cho Tết.

Cả vườn hoa nhà anh cho thuê gần hết và bán rất ít. Anh đoán chắc mức giá cho thuê đào của anh năm nay tăng 15-20% so với năm ngoái và dự kiến giá thấp nhất là 1,5 triệu đồng, cao nhất 15 triệu. “Đây là mức tăng hàng năm của tôi để đối phó với tăng giá tiêu dùng”.

Anh Mẫn dẫn tôi đi thăm các cánh đồng đào với 4 ha trong đê (bị hỏng 2,4 ha) và 25,5 ha ngoài bãi. Rừng đào đang ngủ. Năm ngoái và mấy năm trước, diện tích đào cũng ngần ấy.

Ngày mùng 4/1 vừa qua, Nhật Tân phát động giai đoạn hai xây dựng hạ tầng cho vùng trồng đào Nhật Tân ngoài bãi với tổng kinh phí 3 tỷ đồng trong đó 20% là đóng góp của dân.

Đào ra bãi càng về sau càng được cải thiện chất lượng so với những ngày đầu do người trồng tích lũy kinh nghiệm. Giám đốc Lan quê gốc Nhật Tân định cư ngoài bãi từ năm 1988 và bắt đầu cắm cây đào trên đất phù sa Sông Hồng từ năm 1990.

Kinh nghiệm 15 năm khiến anh lạc quan đến mức quyết định nâng cấp kinh doanh gia đình thành doanh nghiệp mang tên “Trang trại Hoa Đào Nhật Tân” từ đầu năm nay.

“Hoa đào ngoài bãi đang chờ gió đông. Tôi tin hồn đào Nhật Tân sẽ năm nay sẽ được mùa” - Người đàn ông 46 tuổi da sạm nắng cầm vòi phun chĩa vào mấy gốc đào, mắt rực sáng.

MỚI - NÓNG