Hà Nội thuộc nhóm giải ngân thấp nhất nước
Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định giao vốn đầu tư công cho UBND thành phố Hà Nội là hơn 51.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn bố trí cho các dự án cấp thành phố là 23.300 tỷ đồng, vốn bố trí các dự án cấp quận, huyện là hơn 27.700 tỷ đồng. Tuy nhiên thông tin về kết quả giải ngân đầu tư công đến tháng 6 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, toàn thành phố mới giải ngân được hơn 8.800 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 17%.
Dự án triển khai trên địa bàn Hoàng Mai, Hai Bà Trưng được thống kê có tỷ lệ giải ngân thấp |
Trong đó, các dự án cấp thành phố giải ngân được hơn 3.300 tỷ đồng, đạt 14,5%. Nêu cụ thể mức giải ngân tại các sở, ban ngành, ông Lê Hồng Sơn cho biết, Ban Quản lý dự án (QLDA) công trình dân dụng mới giải ngân được hơn 473 tỷ đồng, đạt 37%; Ban QLDA đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp, giải ngân được 100 tỷ đồng, đạt 3,4%; Sở NN&PTNT giải ngân được 49 tỷ đồng, đạt 2,9%; Ban QLDA đường sắt đô thị giải ngân được 330 tỷ đồng, đạt 9%... Thậm chí, có một số đơn vị, sở ngành trong 6 tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công được “0 đồng”, như Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội…
Tại 30 quận, huyện, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, ngoài một số quận huyện có tỷ lệ giải ngân tốt, đạt trên 30%, như Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ, Mỹ Đức, Đan Phượng, có 15 quận huyện có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của thành phố, trong đó quận Hoàng Mai đạt 10%, quận Nam Từ Liêm 11,7%, quận Hai Bà Trưng 12,4%, quận Cầu Giấy 16,7%, quận Bắc Từ Liêm 17%, huyện Thanh Trì 12,6%, huyện Ứng Hòa 12,8%, huyện Gia Lâm 13,5%, huyện Hoài Đức 15,1%, huyện Phú Xuyên 15,6%, huyện Thạch Thất 8,1%, huyện Thường Tín 10,5%, Thị xã Sơn Tây 9,8%... Thậm chí, các dự án thành phố do quận, huyện nhận làm chủ đầu tư có mức giải ngân đầu tư công “0 đồng” gồm các quận, huyện: quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm; các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Mê Linh, Thường Tín, Sóc Sơn, Hoài Đức, Quốc Oai, Ba Vì, Đông Anh, Phúc Thọ…
Còn theo số liệu được Thành ủy Hà Nội cập nhật đến tháng 8/2022, mức giải đầu tư công trên địa bàn thành phố 27,1%, thấp hơn cả mức trung bình 34,8% của cả nước. Với tỷ lệ giải ngân trên, thành phố Hà Nội thuộc vào nhóm 10 địa phương trên cả nước có tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp nhất.
Yêu cầu rà soát, xử lý người đứng đầu
Lý giải về thực trạng giải ngân đầu tư công trên địa bàn mình thấp, đại diện các quận huyện cho rằng, do các tháng đầu năm nay vẫn ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc thi công các dự án đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng một số dự án vướng về cơ chế, xác định nguồn gốc đất nên chưa thể đẩy nhanh thi công, dẫn đến công tác giải ngân bị chậm.
Để đạt được tỷ lệ giải ngân thành phố giao, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, quận đã giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận đưa ra các giải pháp để đẩy nhanh thi công các dự án, bù đắp lại các phần việc đã bị ảnh hưởng dịch bệnh thời gian qua, phấn đấu hoàn thành mức giải ngân mà thành phố giao.
Còn Bí thư Huyện ủy Thường tín cho biết, trong ngày 5/9 huyện ủy đã họp và đưa ra một số giải pháp để UBND huyện trong các tháng cuối năm phải thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, cùng với đó là thoát khỏi danh sách huyện có mức giải ngân “0 đồng” các dự án của thành phố trên địa bàn.
Trước tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư công cho phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố thấp và dưới mức trung bình của cả nước, Thành ủy Hà Nội vừa tổ chức họp chuyên đề về nội dung này. Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nêu rõ, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, biện pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cấp thành phố, tuy nhiên, đến nay tiến độ triển khai các dự án và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn đạt tỷ lệ rất thấp.
Bí thư Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công bảo đảm theo đúng quy định, hiệu quả và sát với tiến độ triển khai thực hiện và nhu cầu vốn của các dự án; Cần đưa ra một số giải pháp, biện pháp, trong đó có siết mạnh kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lĩnh vực đầu tư công.
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi, rà soát; cuối năm tổng hợp danh sách các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp; xác định nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan và đề xuất với Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy xử lý trách nhiệm người đứng đầu; cùng với đó xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan. Được biết, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ tham mưu lãnh đạo Thành ủy xem xét trách nhiệm, điều chuyển những lãnh đạo đơn vị có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Đây là động thái rất quyết liệt của Thành ủy Hà Nội để khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công thấp như hiện nay.
Được biết, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ tham mưu lãnh đạo Thành ủy xem xét trách nhiệm, điều chuyển những lãnh đạo đơn vị có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Đây là động thái rất quyết liệt của Thành ủy Hà Nội để khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công thấp như hiện nay.