Hà Nội: Nước đến chân mới nhảy!

Hà Nội: Nước đến chân mới nhảy!
TPO - Sau một thời gian dài khá yên ắng, việc buôn bán, giết mổ gia cầm tái xuất hiện trong khi chính quyền địa phương dường như thờ ơ trước lời cảnh báo của cơ quan chức năng: Dịch cúm có thể xuất hiện ở bất cứ khu vực nào.
Hà Nội: Nước đến chân mới nhảy! ảnh 1

Những người buôn gia cầm, nhẹ nhàng vượt qua chốt kiểm dịch Ngã tư Nhổn – Từ Liêm – Hà Nội bằng những sọt, làn, túi đựng trứng và gia cầm với chiếc xe đạp đơn sơ, đổ bộ vào một vuông đất trống Km 12, QL 32, thuộc xã Minh Khai – Từ Liêm – Hà Nội để bán gia cầm.
(Ảnh: Phạm Yên)

Theo đánh giá của một quan chức Cục Thú y, việc kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia cầm ở các địa phương, trong đó có cả Hà Nội đã bị buông lỏng ở mức báo động.

Trong khi Thủ tướng cùng các Bộ ngành hết sức lo lắng trước nguy cơ dịch cúm gia cầm tái bùng phát tại nhiều địa phương thì tại Hà Nội, nơi từng xảy ra dịch vào năm 2004 và 2005, việc kiểm soát buôn bán, giết mổ gia cầm dường như bị buông lỏng hoàn toàn.

Các chốt kiểm dịch được lập nên từ lâu đã “quên mất” nhiệm vụ của mình trong khi việc buôn bán, giết mổ gia cầm (hiện vẫn bị cấm) đã diễn tại một số chợ.

Kiểm dịch gia cầm: Có như không

Ông Lê Đình Hòa, Phó phòng thanh tra Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, theo quy định, trên địa bàn TP Hà Nội hiện vẫn duy trì các chốt kiểm dịch gia cầm với 2 chốt chính là chốt Dốc Lã và Ngọc Hồi. Các chốt kiểm dịch tạm thời khác được phân bố tại 4 quận, huyện là Hoàng Mai, Thanh Trì, Từ Liêm và Long Biên.

Tuy nhiên theo khảo sát của phóng viên các trạm kiểm dịch này dù có hoạt động nhưng không mấy hiệu quả do người buôn bán, vận chuyển gia cầm có trăm phương nghìn kế để trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Một nhân viên thú y trạm kiểm dịch Ngọc Hồi cho biết các nhân viên thú y ở đây chỉ có thể kiểm soát được gia cầm vận chuyển khi có sự hỗ trợ của lực lượng quản lý thị trường hay cảnh sát giao thông.

“Chúng tôi không thể dừng các xe lại để kiểm tra. Bên cạnh đó những người vận chuyển gia cầm bây giờ thường tìm các con đường liên xã liên thôn để “né” trạm kiểm dịch hoặc đi vào thành phố từ sáng sớm khi lực lượng chức năng chưa có mặt tại trạm”- Anh cho biết.

“Cũng phải thừa nhận là tại một số chốt trực kiểm dịch do tâm lý chủ quan nên nhân viên thú y còn lơ là trong khâu kiểm dịch. Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra và chấn chỉnh tình trạng này trong thời gian tới” - Ông Hòa nói.

Chính quyền buông lỏng, dân thờ ơ

Đảo qua tất các khu chợ lớn nhỏ ở Hà Nội điều dễ nhận thấy nhất là việc kinh doanh buôn bán gia cầm đã bình thường trở lại, không còn cảnh lén lút bán mua như thời điểm chiến dịch phòng chống cúm gia cầm lên cao trào.

Nếu chỉ cách đây mới 8 -9 tháng trên địa bàn TP Hà Nội việc mua, bán gia cầm chỉ được tiến hành tại một số khu chợ lớn và ở những điểm được Sở Thương mại cấp phép thì nay nhiều chợ lớn, chợ nhỏ và cả chợ cóc cũng bày bán la liệt gia cầm đã và chưa làm thịt.

Chợ Trương Định, một trong những chợ lớn của Hà Nội, sau một thời gian siết chặt việc cấm buôn bán, giết mổ gia cầm, tình hình buôn bán gia cầm sống (vẫn bị cấm tuyệt đối tại tất cả các chợ nội thành) lại nhộn nhịp trở lại.

Tại khu chợ cóc Kim Liên, không chỉ ngang nhiên bày bán gà sống, các hộ kinh doanh gia cầm tại đây còn nhận giết mổ theo yêu cầu của khách hàng dù biết rõ đây là việc vi phạm pháp luật.

Điều đáng nói là hầu hết gia cầm tại các quầy hàng ở những chợ cóc đều không có dấu kiểm dịch đánh dấu sự đảm bảo độ tin cậy “tương đối” của cơ quan thú y.

Bên cạnh đó việc giết mổ và cả bán gia cầm sống, vốn bị cấm triệt để, vẫn được tiến hành công khai mà không hề thấy ban quản lý chợ hay cơ quan thú y có ý kiến?!

Trao đổi với Tiền phong, ông Hòa cũng thừa nhận cách đây chưa đầy 1 năm, khi dịch cúm bùng phát mạnh và nguy cơ nhiễm virus cúm gia cầm luôn là mối đe dọa thì thịt gia cầm bị coi là món “nguy hiểm”.

Nay tình hình đã khác. Mấy ai khi mua hay khi ăn ở quán để ý trên thân những con gà, vịt, ngan có dấu kiểm dịch của thú y hay không. Họ cũng chẳng cần bận tâm đến việc cửa hàng bán gia cầm đó có được cấp phép hay nguồn gốc của gia cầm bày bán ra sao.

MỚI - NÓNG