Hà Nội: Những con đường tiền tỷ bị lãng quên

Hà Nội: Những con đường tiền tỷ bị lãng quên
TPO - Hà Nội thường xuyên tắc đường song lại có những con đường tiền tỷ thênh thang ngay giữa nội đô bị biến thành bãi gửi xe, nơi đá cầu và thậm chí là họp chợ.
Hà Nội: Những con đường tiền tỷ bị lãng quên ảnh 1
Đường bên sông Tô Lịch song song với đường Bưởi thành  bãi giữ xe ô tô, ảnh chụp lúc 10h ngày 15/11/2007.

Đã làm được 3 năm nay nhưng con đường rộng rãi dài gần 3 km này vẫn không hề được đưa vào lưu thông. Đó là con đường bên sông Tô Lịch song song với đường Bưởi kéo dài từ phố Hoàng Quốc Việt và điểm cuối tại đường Cầu Giấy. 

Hà Nội: Những con đường tiền tỷ bị lãng quên ảnh 2
Con đường song song với đường Bưởi này vẫn tắc... vì chưa giải tỏa được.
Hà Nội: Những con đường tiền tỷ bị lãng quên ảnh 3
Phân làn cho các loại xe vào... đậu tại con đường ven sông Tô Lịch (song song với đường Bưởi). Ảnh chụp lúc 10h15 ngày 15/11/2007.
Hà Nội: Những con đường tiền tỷ bị lãng quên ảnh 4
Cây cối đua nhau mọc um tùm trên con đường tiền tỷ bị lãng quên đã 3 năm nay. (Đường song song với đường Bưởi).
Hà Nội: Những con đường tiền tỷ bị lãng quên ảnh 5
Lòng đường biến thành bãi đổ rác vật liệu xây dựng. (Đường song song với đường Bưởi, đoạn gần Cầu Giấy). Ảnh chụp lúc 10h06 ngày 15/11/2007.

Được biết con đường này được đầu tư lên đến gần 45 tỷ đồng. Tất cả đã hoàn thành trong năm 2005 thế nhưng có một gia đình không chịu giải tỏa và từ đó đến nay con đường đành chấp nhận phơi nắng.

Một con đường khác thuộc phố Đào Duy Anh nối liền với con đường dài 1 km từng được báo chí xếp hạng "đắt nhất hành tinh" (Trên 800 tỷ đồng cho 1.000 m đường, đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa) cũng đang chịu chung số phận, mà không hiểu vì lý do gì.

Nằm ở giữa nút giao thông đang thường xuyên tắc nghẽn tại Thủ đô, nhưng làn đường rộng thênh thang này trên phố Đào Duy Anh lại không hề được sử dụng đúng công năng của nó. Chức năng duy nhất của con đường này đó là nơi để các hộ dân nơi đây làm nơi đá cầu, gửi xe và bán hàng ngay giữa lòng đường.

Hà Nội: Những con đường tiền tỷ bị lãng quên ảnh 6
Làn đường  thành điểm trông xe trên đường Đào Duy Anh.
Hà Nội: Những con đường tiền tỷ bị lãng quên ảnh 7
Đường Đào Duy Anh được phân lô để gửi xe. Ảnh : TPO
Hà Nội: Những con đường tiền tỷ bị lãng quên ảnh 8
Thản nhiên chơi cầu trên đường Đào Duy Anh.

Xót xa thay những con đường tiền tỷ đang "hồn nhiên" bị bỏ phí ngay giữa lòng Thủ đô, giữa lúc Hà Nội phải đốn hạ nhiều cây xanh, bóc dỡ từng viên gạch vỉa hè để mong nới rộng cho nhiều con đường khác đang oằn mình quá tải (như đường Tôn Thất Tùng đang thi công). Dù cho bất cứ lý do gì, đó thực sự là một sự lãng phí quá lớn giữa thời "kẹt xe, tắc đường".

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Nguyen Long, Email: nguyenthanhlong@fpt.vn

Một thực tế không thể chấp nhận được !

Tôi rất hoan nghênh quý Báo đã có đưa thông tin này. Tôi thấy đây là một thực tế không thể chấp nhận được. Trong khi thành phố chúng ta đang hết sức thiếu những con đường để giải quyết vấn đề giao thông của thành phố, trong khi mỗi ngày hàng tỷ đồng của nhân dân đang bị lãng phí vì tình trạng kẹt xe thì cũng trong thời gian đó, có những con đường vừa xây xong đã bị đắp chiếu do không sử dụng được.

Một ví dụ điển hình là con đường Bưởi chạy song song với sông Tô Lịch. Con đường trị giá nhiều tỷ đồng này không thể hoạt động được là do có một hai hộ dân gì đó không chấp nhận việc đền bù.

Không biết ở đây do chính quyền không có tiền để giải tỏa hay là sự vô cảm của họ. Tôi đã chứng kiến tình trạng này nhiều năm nay. Không hiểu hệ thống chính quyền địa phương nghĩ gì về việc này hay tiền do nhân dân đóng thuế nên họ không sót.

Chúng tôi kính mong quý Báo làm rõ lý do tại đâu? Chính quyền và các cơ quan có liên quan đã làm hết sức chưa? Họ có vô cảm, quan liêu không? Tôi nghĩ người dân họ tốt lắm, không thể có chuyện chây ỳ được đâu. Thấy tài sản của Nhà nước, của Nhân dân bị lãng phí, chắc họ cũng xót lắm.

Còn nhớ trước kia để bảo vệ Cách mạng, họ sẵn sàng hiến nhà, hiến đất để phục vụ cách mạng. Thì nay, chắc tinh thần đó không thể bị mất đi. Vấn đề là các cơ quan chính quyền đã làm gì? Đã công bằng với họ chưa? Có giải pháp gì không?

Nếu quả thật là lý do từ người dân thì cả hệ thống chính trị của chúng ta ở đâu? Các biện pháp giáo dục, truyền thông, thậm chí cả các biện pháp kinh tế đã được áp dụng chưa, áp dụng như thế nào?

Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn thẳng vào thực tế, đừng vô cảm, đừng để tiền đóng thuế của Nhân dân bị tiêu xài lãng phí như vậy nữa.

Bùi Thị Kim Liên, Email: kimlien84_hb@yahoo.com.vn

Tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung mà bài báo đã đưa. Tôi đang sống ở quận Tây Hồ hằng ngày tôi đi làm bằng xe buýt, khi đi qua đoạn mà bài báo nói ở trên tôi cũng luôn băn khoăn và tự hỏi, tại sao một đoạn đường được làm xong, đẹp, rộng rãi, chỉ vì một hộ gia đình chưa giải tán được mà bỏ không đưa vào sử dụng, mà Đường Bưởi chạy song song cũng có rộng rãi gì đâu, thật là lãng phí tiền của.

Là một công dân tôi cũng mong rằng cơ quan chức năng sớm có biện pháp giải quyết.

Luongha, Email: luongha5953@yahoo.com.vn

Cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ai ?

Tôi là người hàng ngày đi trên đường Bưởi vô cùng bức bối về cảnh con đường dọc theo sông Tô lịch đã làm 3 năm nay nhưng không đưa vào sử dụng chỉ vì 1 ngôi nhà không giải toả được.

Có lẽ tôi là một trong những người phải cám ơn bạn Thuỳ nhiều nhất vì bạn đã giúp tôi nói lên cái điều mà tôi muốn làm nhưng chưa làm được. Tôi hy vọng bạn sẽ tiếp tục đóng góp công sức để mọi người nhanh chóng được đi trên con đường một chiều dọc sông này, để giảm bớt cảnh tắc đường, tai nạn...xảy ra như cơm bữa trên đường Bưởi, để người dân bớt đau buồn về tình trạng lãng phí rất lớn như thế này-điều mà các quan chức chúng ta suốt ngày hô hào phải thực hiện tốt Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhất là lãng phí trong xây dựng, trong thực hiện các dự án...

Cá nhân tôi đề nghị những người có trách nhiệm của thành phố Hà nội hãy thực hiện chút ít trách nhiệm của mình trước dân để giải quyết tình trạng lãng phí trên. Giả sử chính quyền bó tay trong việc cưỡng chế giải toả ngôi nhà thì vẫn có thể có biện pháp khác như bồi thường cao để họ tự di chuyển. Như thế vẫn có lợi hơn là để con đường "chết".

Tiền điện thắp sáng hàng đêm dọc con đường bỏ không này, tiền công xúc số đất phế thải hàng đêm các xe tải đổ xuống lớn gấp nhiều lần số tiền bồi thường để di chuyển ngôi nhà, hay nói cách khác là số tiền bị lãng phí còn cao gấp nhiều lần , đấy là chưa kể những cái được khác khi con đường đưa vào lưu thông như giảm thiểu tắc đường, tai nạn, tiết kiệm thời gian, không bị ô nhiễm do xả đất, rác...

Mọi người hãy lên tiếng cùng tác giả Phạm Minh Thuỳ.

Hoang Phuoc, Email: hoangphuoctn@yahoo.com.vn

Xem lại năng lực của chính quyền

Thật xót xa khi đọc những bài báo như thế này ! Theo tôi nếu không giải quyết được tình trạng lãng phí tiền của nhà nước kiểu này thì những người có trách nhiệm liên quan tới 2 con đường này từ chức là được rồi.

MỚI - NÓNG