Hà Nội nắng nóng như hè trong mùa đông

Hà Nội mùa đông năm 2016 đang nắng nóng như... mùa hè. Ảnh: Ngọc Thành
Hà Nội mùa đông năm 2016 đang nắng nóng như... mùa hè. Ảnh: Ngọc Thành
Không khí lạnh tràn về không đủ nhanh và mạnh để nền nhiệt Hà Nội xuống thấp, khiến những ngày qua ở Thủ đô "nóng như mùa hè".

Đã vào đông, nhưng gần tháng nay, người Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung cảm giác như đang mùa hè, nhất là vào buổi trưa khi trời nắng chang chang, nhiệt độ ban ngày có lúc lên đến 28-30 độ C, ban đêm cũng đạt 20 độ C. Số đợt rét với mức nhiệt thấp nhất 13-14 độ C chỉ diễn ra phổ biến trong thời gian ngắn, chủ yếu vào đêm và sáng sớm.

Nhiệt độ lúc 13h hôm nay ở khu vực nội thành Hà Nội là 28 độ C, ba tiếng sau mức nhiệt này không thay đổi. Bê tông hóa, cây xanh ít với lượng phương tiện giao thông nhiều càng khiến nhiều người thấy oi bức, ngột ngạt.

Lý giải về điều này, giáo sư Phan Văn Tân (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên) cho biết, do không khí lạnh yếu và di chuyển chậm trên một quãng đường dài qua lục địa châu Á có nền nhiệt cao hơn, nên không đủ mạnh để nhiệt độ miền Bắc hạ thấp.

Theo giáo sư Tân, tất cả các đợt không khí lạnh ở Việt Nam đều xuất phát từ áp cao lạnh Siberia (Nga) tràn xuống. Để tạo nên một đợt rét đậm thì áp cao lạnh siberia phải có cường độ mạnh và đi với tốc độ nhanh trong quá trình di chuyển đến Việt Nam.

"Áp cao Siberia là một bộ phận chi phối hoàn lưu khí quyển mùa đông, tác động đến khí hậu và thời tiết Việt Nam. Cường độ và phạm vi hoạt động của nó thay đổi qua các năm. Theo xu thế nóng lên toàn cầu, sự biến động đó có biểu hiện mạnh hơn", ông Tân nói và cho rằng dù Hà Nội nóng hơn bình thường nhưng vẫn nằm trong quy luật mùa trong năm.

Theo nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp, xu thế thời tiết những năm gần đây vào mùa đông là số ngày trời lạnh, rét đậm rét hại giảm đi, nhưng số ngày rét sâu không giảm, thậm chí một số vùng nhiệt độ còn xuống thấp kỷ lục và xuất hiện tuyết. Nền nhiệt biến động mạnh, tức là có ngày rét "cắt da cắt thịt", có ngày nóng "không thể thở".

Quan điểm của giáo sư Tân nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia khí tượng khác. Nói thêm về nguyên nhân nhiệt độ ngày đêm chênh lệch, các nhà khoa học cho rằng, đó là do trong ngày bức xạ mặt trời đốt nóng bề mặt đất, lớp không khí sát mặt đất nhận được năng lượng bức xạ nhiệt nên nóng lên; còn ban đêm vì không được đốt nóng nên mặt đất sẽ phát xạ, nhiệt độ "nguội dần" và hạ thấp.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, trong các tháng 7-8/2016, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ C. Từ tháng 9 đến tháng 12/2016, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Miền Bắc sắp đón đợt rét mới

Cơ quan khí tượng cho biết, khối không khí lạnh đã tiến sát biên giới phía Bắc. Từ đêm mai, Bắc Bộ chuyển rét, vùng núi có nơi rét đậm với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 15-18 độ C, vùng núi 12-15 độ C, vùng núi có nơi dưới 12 độ C.

Gió mùa đông bắc kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên từ ngày 14-17/12, từ Quảng Bình đến Ninh Thuận có mưa to với tổng lượng trên 200 mm đợt, riêng Đà Nẵng - Phú Yên mưa 300-400 mm/đợt. Trên các sông thuộc khu vực này có khả năng xuất hiện lũ kèm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG