Nhiều khó khăn, vướng mắc
Tại tuyến đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy), nơi được mệnh danh là tuyến đường đắt nhất Thủ đô (có mức đầu tư lên đến 969 tỷ đồng cho 565 m chiều dài của đường) vẫn đầy rẫy nhà siêu mỏng, siêu méo. Nhiều căn nhà lệch cốt khá lớn so với mặt đường. Nhiều công trình sau khi GPMB vẫn trong tình trạng phá dỡ dở dang, cao thấp khác nhau khiến tuyến phố trở nên khá lem nhem.
“Không thể để cứ GPMB xong, các quận lại phải đi trông giữ hoặc đi theo để giải quyết các trường hợp thửa đất không đủ điều kiện xây dựng công trình. Trong khi chúng ta có đủ căn cứ pháp lý để thực hiện việc GPMB dự án mở đường, thu hồi ngay những diện tích nhỏ lẻ”.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội
Chỉ riêng ở quận Ba Đình, hiện vẫn còn 68 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại. “Những trường hợp trên tuyến Trần Phú - Kim Mã và trên tuyến đường vành đai 2 thuộc địa bàn quận đã có phương án xử lý theo thiết kế đô thị và đang được tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, về lâu dài, các dự án mở đường phải thực hiện bài bản theo quy hoạch được tính toán một cách toàn diện. Nếu không việc xử lý công trình siêu mỏng, siêu méo rất khó khăn”, đại diện quận Ba Đình cho biết. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn, hợp thửa, hợp khối gặp nhiều khó khăn do các chủ sử dụng đất không hợp tác hoặc không thỏa thuận được với nhà liền kề.
Sở QHKT Hà Nội cho hay, kết quả kiểm tra vừa qua của thành phố cho thấy, nguyên nhân làm chậm tiến độ xử lý do quận Tây Hồ, Hai Bà Trưng chưa chủ động rà soát các trường hợp đất không đủ điều kiện xây dựng. Quận Đống Đa, Hoàng Mai thiếu quyết liệt trong quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc tại các tuyến đường mới mở. Tại tuyến đường đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái còn tồn tại một số lượng lớn các trường hợp đất không đủ điều kiện xây dựng, chính quyền chưa lên phương án xử lý dứt điểm.
Đến nay dọc hai bên tuyến đường Trần Phú-Kim Mã, vành đai I, vành đai II, Thanh Nhàn, Nguyễn Văn Huyên kéo dài và đường vành đai 2,5 trên địa bàn 7 quận gồm Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai có 502 trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Trong đó, 201 trường hợp đủ điều kiện hợp thửa, hợp khối; 112 trường hợp phải thu hồi toàn bộ diện tích đất ngoài chỉ giới để sử dụng vào mục đích công cộng; 81 trường hợp xử lý cho phép tồn tại, chỉnh trang; 99 trường hợp chưa có phương án đề xuất cụ thể do còn vướng mắc về khiếu kiện.
Làm rõ trách nhiệm
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho rằng, các quận cần phải quyết liệt xử lý các trường hợp tồn đọng, không để phát sinh mới. Trong đó phải xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý trật tự xây dựng, đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ lơ là, thiếu trách nhiệm, để xảy ra vi phạm. “Không thể để cứ GPMB xong, các quận lại phải đi trông giữ hoặc đi theo để giải quyết các trường hợp thửa đất không đủ điều kiện xây dựng công trình. Trong khi chúng ta có đủ căn cứ pháp lý để thực hiện việc GPMB dự án mở đường, thu hồi ngay những diện tích nhỏ lẻ, các loại đất phục vụ cho dự án”, ông Nam phân tích.
Ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở QHKT Hà Nội, khẳng định, đến thời điểm này, việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo đã có cơ sở thành hiện thực khi các quy định pháp lý, văn bản hướng dẫn tương đối hoàn thiện về quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, đất đai. Đối với các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng cũng đã có hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ, đặc biệt là trong quy hoạch kiến trúc, làm căn cứ để cấp phép xây dựng, hợp thửa, hợp khối. Với trường hợp nhà diện tích đất dưới 15m2 mà không hợp thửa, hợp khối được thì ngay từ khi giải phóng mặt bằng phải đưa vào diện thu hồi.
Theo ông Công, đợt triển khai đồng loạt các tổ công tác xử lý siêu mỏng, siêu méo lần này giống như là lập “đội 141” trong đảm bảo an ninh trật tự của Công an thành phố và sẽ có tác động rất mạnh đến xây dựng bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại do gắn chặt kết quả xử lý với trách nhiệm của chủ tịch UBND các quận, huyện. Để tránh tình trạng chính quyền cứ phải bám theo suốt ngày để xử lý vi phạm trật tự xây dựng, tháo dỡ ngay phần công trình xây dựng trên đất đã bồi thường.
“Sau một tháng nếu không hợp thửa, hợp khối được thì sẽ thu hồi đất để phục vụ mục đích công cộng. Thời gian không thể kéo dài mãi được vì như vậy sẽ mất đi sự nghiêm minh của pháp luật. Việc sử dụng các phần đất sau thu hồi phải công khai minh bạch”, ông Công nói.