Ngày 8/5, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức tổng kết kế hoạch kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới sử dụng rượu, bia năm 2014 và Tết Ất Mùi 2015.
Theo Bộ luật Hình sự hiện hành, lái xe uống rượu bia quá quy định gây TNGT, ảnh hưởng sức khỏe tính mạng của người khác có thể chịu trách nhiệm hình sự. Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, sau tai nạn, bên bị nạn và bên gây tai nạn thường thương lượng, hòa giải nên ít người bị xử lý hình sự.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Văn Vũ, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT tỉnh Long An cho hay: Có tình trạng lái xe “mách” nhau, nếu có hơi men, sau khi gây tai nạn bỏ trốn, hết nồng độ cồn, trước 24 giờ sau khi gây tai nạn rồi mới ra trình diện (pháp luật hiện cho phép). Ông Vũ đề nghị nghiên cứu các giải pháp ngăn chặn tình trạng này.
Tại hội nghị, đại diện Cục CSGT cho hay, hiện một số cá nhân áp dụng các biện pháp làm dừng hoạt động máy đo nồng độ cồn khi bị kiểm tra bằng một số thủ thuật. Ông Vũ Quý Phi, Phó Chánh văn phòng Ủy an ATGT Quốc gia cho hay, với các cá nhân “chống đối” này sẽ được thực hiện lấy mẫu máu để xét nghiệm nồng độ cồn. Ông Phi cũng cho hay, Bộ Công an và Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định lấy mẫu máu bắt buộc với các người liên quan đến tai nạn giao thông để xác định nồng độ cồn trong máu.
Chiều cùng ngày, Ủy ban ATGT Quốc gia sơ kết kế hoạch hành động thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em. Khảo sát độc lập của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM tỷ lệ học sinh đội mũ bảo hiểm tăng trung bình từ 38-68% sau đợt cao điểm.
Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là nhận thức, ý thức của người lớn (phụ huynh) chưa tích cực: nhiều bậc cha mẹ học sinh đèo 3, 4 cháu đến trường không đội mũ bảo hiểm cho mình, cho các con cháu với nhiều lý do khác nhau (vội quá, quên, không có chỗ treo mũ…).