Sư tử đá ở chùa Làng Cót, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Đủ kiểu “ngoại lai”
Chúng tôi có mặt tại chùa Linh Thông ngõ 68 phố Quan Nhân. Nằm sâu trong ngõ nhưng chùa được xây dựng khá lớn. Mặc dù danh sách của Sở VHTT&DL cung cấp ghi là chùa có 1 đôi sư tử đá đặt trong sân chùa nhưng sư trụ trì cho hay đó chỉ là đôi nghê đá và đã được di dời theo yêu cầu của UBND phường Trung Hòa. Hiện vật được di dời nhưng hai bệ đá rất lớn và hai cây đèn đá kiểu Nhật Bản thì vẫn còn.
Một vòng quanh chùa, chúng tôi bắt gặp khá nhiều những hình ảnh khi thì đắp nổi trên tường, lúc thì tạc vào các đồ vật như hình rồng, hình hươu nai, Bát Giới, Sa Tăng trong Tây Du Ký… mà theo sư trụ trì thì đó là “tạc theo các tích nhà Phật”.
Giải thích về đôi nghê đã di dời, sư trụ trì cho hay đôi nghê đá có giá trị tới cả trăm triệu đồng do một người từ tỉnh Hòa Bình cung tiến. “Họ nói chùa có muốn cung tiến đôi sư tử đá không? Tôi mới bảo là tôi chỉ muốn đôi nghê giống như ở Myanmar thôi. Vậy là họ cung tiến đôi nghê”, nữ sư trụ trì nói.
Đại diện chùa Linh Thông thừa nhận, có sự khác biệt rất lớn từ kiến trúc đến trang trí của đền, chùa Việt với đền chùa Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar và một số quốc gia khác. Chùa Việt nói chung kiến trúc nhẹ nhàng, không cầu kỳ, quy mô xây dựng nhỏ, ít màu sắc.
Nhiều hình ảnh trong tác phẩm điện ảnh Tây Du Ký được tái hiện tại chùa Linh Thông. Ảnh: Tuấn Minh
Tại chùa Trung Kính Thượng thuộc phường Trung Hòa quận Cầu Giấy, phần trang trí bằng đá chiếm tỷ lệ khá lớn. Nổi bật là đèn đá, rồng đá, nghê đá và ly đá. Sự trụ trì Thích Đàm Hậu cho biết đã chấp hành sự vận động của chính quyền, chuyển hai con nghê đá ra khỏi chùa.
Sư trụ trì khẳng định, sư tử đá thì phải di dời vì không phù hợp với Phật giáo và văn hóa Việt. Tuy nhiên sư Thích Đàm Hậu cho rằng quá trình thực hiện di dời hiện vật lạ đã thiếu hướng dẫn cụ thể về từng loại di vật. “Tôi thấy rất cần tôn vinh văn hóa Việt .
Tuy nhiên thực tế rất nhiều chùa bầy sư tử, nghê đá, rồng đá, đèn đá… vậy thì thế nào là hiện vật ngoại lai đang rất cần được cơ quan chức năng giải thích. Thành Hội Phật giáo cần có giải thích, hướng dẫn cụ thể đến các sư, các chùa thì đợt vận động sẽ đạt kết quả cao hơn”, sư Thích Đàm hậu đề nghị.
“Ý nghĩa của đợt xử lý, di dời hiện vật ngoại lai này hết sức to lớn nhằm bảo vệ, tôn vinh văn hóa thuần Việt. Hiện nay chưa có thống kê về hiện vật ngoại lai trong cơ quan nhà nước nhưng tôi nghĩ có thể cũng có”.
Ông Trương Minh Tiến,
Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội
Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết, mặc dù mới có 24/30 quận, huyện báo cáo sơ bộ nhưng đã phát hiện tới 454 di tích có hiện vật lạ. Chủ yếu gồm sư tử, tượng Hồng Hài Nhi, đèn kiểu Nhật Bản, song bình, đèn lồng… với nhiều chất liệu khác nhau như đá, sứ, gỗ, xi măng cốt thép, thạch cao…
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, bên cạnh hiện vật lạ, ngoại lai xuất hiện trong di tích, tại một số cơ quan, công sở, doanh nghiệp của Hà Nội cũng trưng bày hiện vật lạ, chủ yếu là sư tử đá.
Rồng đá, đèn đá tại chùa Trung Kính Thượng. Ảnh: Tuấn Minh
Nhiều nơi “đòi” hướng dẫn cụ thể
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ VHTT&DL, UBND thành phố Hà Nội, Sở VHTT&DL đã hướng dẫn cho các quận, huyện. Yêu cầu các quận, huyện phải tổ chức thống kê hiện vật lạ, chủ yếu là sư tử đá rồi gửi báo cáo về Sở. Hiện nay Hà Nội đã có 24/30 quận, huyện đã có thống kê. Kết quả là có 454 di tích phát hiện có hiện vật lạ/ hơn 2.000 di tích đã xếp hạng của Hà Nội.
Một số di tích cấp quốc gia cũng có hiện vật lạ. Việc di dời hiện vật lạ thời điểm này đang trong quá trình vận động tự di dời. Các quận huyện đã vận động tuyên truyền với các nhà sư trụ trì văn bản chỉ đạo của thành phố và của Giáo hội phật giáo Việt Nam.
“Tôi lưu ý đây mới là kết quả bước đầu và còn 7 quận, huyện chưa có báo cáo. Thời gian tới sẽ còn phải tiếp tục điều tra, khảo sát đầy đủ hơn”, ông Tiến cho hay.
Sư tử đá tại Chùa Hương. Ảnh: Như Ý
Khó khăn lớn nhất nảy sinh khi thực hiện đó là nhận thức của sư trụ trì, của người cung tiến và nhận diện hiện vật lạ, hiện vật ngoại lai sao cho chính xác. Ông Trương Minh Tiến cho rằng phải có các đợt tập huấn chuyên sâu để Cục di sản, Bộ VHTT&DL mời chuyên gia đến hướng dẫn để các địa phương có thể tự nhận diện được đâu là hiện vật ngoại lai.
“Cách đây hơn 1 tháng, Tổng Công ty Hàng không có công văn gửi sang đề nghị Hà Nội giúp đỡ xác định rõ xem hai con sư tử đá tại bảo tàng có phải là hiện vật ngoại lai không. Sở VHTT&DL Hà Nội cũng chưa xác định được nên đã làm văn bản để hỏi Bộ, đề nghị Bộ tham vấn cho Tổng Cty Hàng không mời chuyên gia về xác định hiện vật. Kết quả 2 con sư tử đá này đúng là vật ngoại lai. Tôi muốn nhấn mạnh là xác định hiện vật ngoại lai là công việc rất khó”, ông Tiến đề nghị.
Đại diện UBND phường Yên Hòa quận Cầu Giấy và một số phường khác cũng đề nghị cần có hướng dẫn rất cụ thể để xác định hiện vật ngoại lai, hiện vật lạ làm căn cứ để tiến hành di dời. Một vấn đề đang được nhiều sư trụ trì và chính quyền cơ sở quan tâm đó là sẽ xử lý ra sao đối với hiện vật ngoại lai sau di dời.
UBND một số phường đề nghị thành phố có hướng dẫn cụ thể hơn như đưa đi tái chế hay chôn lấp để các phường có căn cứ thực hiện và giải thích với các chùa. Với các trường hợp cố tình vi phạm, không chấp hành vận động sẽ xử lý ra sao?
Ông Trương Minh Tiến cho biết sau khi vận động, thuyết phục mà không tự di dời thì Sở sẽ tham mưu thành phố cần có những biện pháp quyết liệt hơn. Đợt đầu tập trung di dời hiện vật ngoại lai trong di tích, tiếp theo sẽ làm đến các cơ quan, công sở, trụ sở ngân hàng, công ty, nhà riêng, các khu công cộng.