Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, thực hiện việc khai báo y tế theo đúng quy định, chia các khu sàng lọc riêng (phân cấp theo mức độ bệnh), không để bệnh nhân nghi mắc COVID-19 nằm chung phòng với các bệnh nhân thông thường khác. Đồng thời, bệnh viện cũng trang bị đầy đủ khẩu trang, trang phục bảo hộ cho nhân viên y tế để tránh lây nhiễm chéo. Lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, đơn vị dự trù 100 giường cách ly nhưng thực kê, hiện nay đã bố trí được 200 giường bệnh cách ly cho các bệnh nhân.
Ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, khoa Khám bệnh của bệnh viện đã bố trí 6 bàn khai báo y tế và cán bộ y tế túc trực đo nhiệt độ, hướng dẫn người dân sát khuẩn tay những người bệnh và người nhà bệnh nhân vào viện. Nếu có trường hợp nghi ngờ sẽ được đưa đến khu vực khám cách ly để được khám sàng lọc và làm các xét nghiệm, chẩn đoán, xác định ca bệnh. Tại khu vực ngồi chờ đã có cán bộ y tế và đội ngũ bảo vệ bệnh viện tiếp đón, hướng dẫn người bệnh ngồi dãn khoảng cách 2m, đăng ký khám chữa bệnh theo thứ tự gọi tên lần lượt. Các khoa điều trị bệnh nhân nội trú cũng đã bố trí, sắp xếp giường bệnh dãn khoảng cách theo quy định.
Tuy nhiên, số lượng ra vào bệnh viện vẫn còn đông trong khi bệnh viện chưa kiểm soát chặt, quy trình bố trí khu vực cách ly chưa đảm bảo một chiều theo quy định để tránh lây nhiễm chéo.
Tại các vị trí ngồi chờ, người bệnh đã ngồi cách nhau 2m và đeo khẩu trang phòng bệnh. Ảnh: Vũ Tuyết
Cũng trong ngày 8/4, TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra phân luồng tại các bệnh viện. Ông Hiền cho rằng các bệnh viện cần quyết liệt hơn bởi nếu có tình huống để lọt người bệnh dương tính COVID-19 đến khám chữa bệnh tại bệnh viện thì đối tượng phải cách ly rất lớn. Có thể sẽ có nhiều người bị lây nhiễm.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các bệnh viện cần thành lập chốt, có bảo vệ, cán hộ y tế ngay từ cổng bệnh viện để quản lý chặt các đối tượng ra vào bệnh viện, khai thác rõ tiền sử dịch tễ và sàng lọc cẩn thận ngay từ đầu vào.
Đối với công tác khám chữa bệnh, cần tăng cường đăng ký khám online, để người bệnh có thể khám theo giờ, giảm thời gian chờ đợi ở bệnh viện. Đồng thời, tại mỗi bệnh viện cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể, phương án cụ thể để xử lý kịp thời trường hợp khi có ca bệnh dương tính COVID-19 đến khám chữa bệnh tại bệnh viện; cần bố trí sẵn sàng khu vực cách ly cho cán bộ nếu có tiếp xúc với bệnh nhân dương tính để sẵn sàng cho mọi tình huống trong phòng chống dịch bệnh COVID-19…
Trước đó, ngày 7/4, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của TP Hà Nội tiến hành cuộc họp đột xuất liên quan đến bệnh nhân COVID-19 số 243 ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đặc biệt lưu ý đến bài học từ Bệnh viện Hồng Học diễn ra vào đầu tháng 3/2020 vừa qua. Bệnh viện này chỉ có một bệnh nhân số 17 đến khám, nhưng toàn bộ bệnh viện bị phong toả, các bác sĩ trong viện bị cách ly. Đến nay, ca bệnh 243 lại liên quan đến nhiều cán bộ trong Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Qua đó, ông Nguyễn Đức Chung nhận thấy "trận tuyến" ở các bệnh viện trong đón tiếp người bệnh còn sơ hở về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Vì vậy, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu bắt buộc tất cả các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội phải tổ chức sàng lọc người đến khám, kiểm tra, thực hiện yêu cầu khai báo y tế bắt buộc với những người đến thăm khám.
Chủ tịch UBND Hà Nội lấy dẫn chứng chỉ có 3 bệnh nhân mắc COVID-19 liên quan đến bệnh nhân thứ 17 ở Trúc Bạch, bệnh nhân thứ 237 (người Thuỵ Điển) và bệnh nhân 243 ở người Mê Linh nhưng đã có tới hàng trăm bác sĩ, y tá tiếp xúc gần phải cách ly.
"Chiến sĩ tuyến đầu lọt lưới như này, mà bài học từ Bệnh viện Bạch Mai còn nguyên giá trị, bởi đã có 48 ca mắc rồi!", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu.