Gia tăng ca lây nhiễm trong cộng đồng, tăng cường các biện pháp ngăn chặn

Ảnh: Thái Hà
Ảnh: Thái Hà
TPO - Trước thực tế số ca bệnh COVID-19 được phát hiện trong cộng đồng có chiều hướng gia tăng, chiếm hơn 37% số trường hợp dương tính hiện nay, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, các thành viên kiến nghị cần tập trung các biện pháp ngăn chặn.

Theo đó, cần lấy mẫu xét nghiệm nhiều hơn và mở rộng diện xét nghiệm trong quần thể. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) nhận định, mặc dù đã ghi nhận sự lây lan virus gây bệnh COVID-19 trong cộng đồng nhưng mức độ lây lan chưa mạnh vì tỷ lệ dương tính trong xét nghiệm còn thấp và chưa có nhiều trường hợp nặng nhập viện.

“Vừa qua có những trường hợp không tìm được ca đầu tiên như tại ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, ca bệnh 237, người Thụy Điển, ca bệnh 234 ở Mê Linh, Hà Nội và ca bệnh mới được phát hiện tại Hà Nam. Điều đó chứng tỏ đã có sự lây lan ra cộng đồng nhưng chưa lớn. Liên quan đến ca bệnh 243 việc xét nghiệm dương tính là rất chắc chắn, nhưng qua xét nghiệm kháng thể của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư thì lại chưa thấy xuất hiện kháng thể. Do đó các chuyên gia nhận định trường hợp này mới mắc COVID-19, khẳng định có sự lây truyền mới trong cộng đồng. Vậy lây ở đâu, lây như thế nào thì bệnh nhân này đã đi nhiều nơi, phải điều tra dịch tế tiếp mới xác định được”.

Sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia y tế về việc xác định nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ngành y tế vẫn đang nỗ lực để xử lý các ổ dịch COVID-19, với tinh thần cứ phát hiện 1 ca dương tính là coi như đã có thêm một ổ dịch để khoanh vùng và xử lý ngay. Bên cạnh các yếu tố dịch tễ thu thập được, Bộ Y tế đang áp dụng biện pháp xét nghiệm sâu để xác định bệnh nhân đang mắc COVID-19 ở giai đoạn nào. Từ đó có thể truy vết và tìm ra nguồn lây cũng như sàng lọc được những người có nguy cơ cao cần phải cách ly, xét nghiệm, xác định ca bệnh.

“Với mỗi ca dương tính, ngành y tế đã xét nghiệm xem trong cơ thể người bệnh nồng độ virus như thế nào. Nếu nồng độ virus thấp thì có 2 khả năng xảy ra. Khả năng thứ nhất là bệnh nhân vừa mắc xong, nồng độ virus còn thấp. Khả năng thứ hai là bệnh nhân đã mắc lâu rồi, virus đã giảm rồi. Vì thế lực lượng chuyên môn đã tiến hành xét nghiệm kháng thể trong cơ thể bệnh nhân. Nếu chưa có kháng thể thì bệnh nhân vừa mới mắc, còn nếu tỷ lệ kháng thể cao mà nồng độ virus thấp thì bệnh nhân đã mắc lâu rồi. Nếu vừa phát hiện một ca bệnh cần đợi xét nghiệm chuyên môn về kháng thể để xác định chính xác, không nên suy diễn”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Nhắc lại 5 nguyên tắc phòng chống dịch bệnh COVID-19 là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, Ban chỉ đạo quốc gia cũng nhận định, số ca mắc mới COVID-19 có dấu hiệu giảm, nhất là từ khi thực hiện các biện pháp đồng bộ trong quản lý người nhập cảnh và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, hiện nay đang xuất hiện một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, khi nhiều người có mặt ngoài xã hội và tham gia giao thông trong hôm qua và sáng nay cao hơn so với ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội. Do vậy, chính quyền địa phương các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội.

MỚI - NÓNG