Chiều 1/10, ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội thông tin chính thức tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố từ giữa tháng 9 đến nay.
Ông Định cho biết, qua đánh giá hiện trạng, tại Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc thường xuyên ô nhiễm bụi tăng cao tập chung vào mùa Đông, mùa Xuân và vào thời điểm giao mùa.
“Vừa rồi Thành phố đã họp, Sở TN&MT đã có báo cáo. Theo số liệu quan trắc của Sở TN&MT từ 13/9 chất lượng không khí ở Hà Nội tại nhiều thời điểm trong ngày kém, chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5. Theo tiêu chuẩn, chất lượng không khí ở mức kém sẽ gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp con người nhất là cho người già, trẻ em… theo đó khi ra ngoài, người dân để đảm bảo sức khỏe nên sử dụng khẩu trang” , ông Định nói.
Ông Định cho rằng, hiện nay, UBND thành phố cũng biết trên điện thoại có rất nhiều app, thiết bị đo chỉ số ô nhiễm nhưng báo chí và người dân nên tham khảo đối chiếu với kết quả của các cơ quan chuyên môn công bố trên các website của Hà Nội để có kết quả chính xác nhất.
Ông Định liệt kê 12 nguyên nhân khác nhau dẫn đến ô nhiễm trên địa bàn, trong đó có khí thải phương tiện giao thông, người dân đốt than tổ ong, bếp củi, vật liệu phá dỡ công trình, tình trạng đốt rơm rạ, ô nhiễm sông hồ, trại chăn nuôi, tác động do khí hậu chuyển mùa…
Theo ông Định, nhiều năm qua, thành phố đã đưa ra hàng loạt giải pháp để khắc phục tình trạng trên như lắp đặt các trạm quan trắc môi trường, kiểm soát các nguồn thải… Đồng thời, ban hành kế hoạch đến năm 2020 không còn sử dụng bếp than tổ ong; triển khai nhà máy hút bùn, xử lý rác thải, nhập các xe phá dỡ công trình nghiền của Đức; có văn bản đề nghị các trạm xăng có nơi rửa xe; thường xuyên kiểm tra, rà soát các phương tiện chở đất đá; triển khai cánh đồng không đốt rơm rạ…
3 ngày nữa hết ô nhiễm?
Trả lời các câu hỏi của báo giới, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, vấn đề ô nhiễm không khí thời gian qua có nhiều nguyên nhân, thứ nhất là do chuyển mùa, thứ hai là sự chênh lệch nhiệt giữa thời điểm sáng và trưa, thứ ba là buổi sáng sớm xuất hiện sương, dẫn đến đối lưu không khí, khó khăn trong thoát khí thải.
Ông Thái cũng cho biết, Sở TN&MT cũng đã công bố, khuyến cáo đến người dân, nếu môi trường ở mức độ kém thì người dân tham gia hoạt động ngoài trời cần sử dụng khẩu trang, người già, trẻ nhỏ cần hạn chế ra ngoài trời.
Theo ông Thái, Hà Nội hiện có 10 trạm quan trắc không khí, sử dụng từ năm 2017 chất lượng châu Âu, trong đó có 3 trạm quan trắc đặt cố định. Nói về sự khác biệt giữa các chỉ số quan trắc của Hà Nội và một số đơn vị như Airvisual, Pamair, ông Thái cho biết, do trạm của Hà Nội đặt cố định, còn của các đơn vị khác là đo cảm biến.
Ông Thái dẫn dự báo khí tượng thủy văn cho biết, khoảng ngày 3/10, Hà Nội sẽ có thể có mưa giông, cải thiện chất lượng không khí.