UBND thành phố Hà Nội vừa có Tờ trình gửi HĐND thành phố Hà Nội “Về việc Dự thảo Nghị quyết sửa đổi quy định về phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn thành phố đã được quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 07/7/2020”.
Theo UBND thành phố Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có 10 điểm thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử công trình văn hóa, bao gồm: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn, Nhà tù Hỏa Lò, Khu di tích Cổ Loa, Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, đền Quán Thánh, Làng cổ Đường Lâm, Chùa Thầy, Chùa Tây Phương, Chùa Hương. Trong đó, mức thu phí: 30.000 đồng/lượt áp dụng đối với các di tích Văn Miếu, Đền Ngọc Sơn, Hỏa Lò, Hoàng Thành Thăng Long; mức phí 10.000 đồng/lượt với di tích Cổ Loa và 78.000đ/lượt với thắng cảnh Chùa Hương...
Di tích tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long |
Tuy nhiên, theo UBND thành phố Hà Nội, với mức phí trên, nguồn kinh phí để đảm bảo cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích, cũng như tăng cường chất lượng phục vụ đón khách tham quan còn gặp nhiều khó khăn.
Do đó, UBND thành phố Hà Nội đề xuất phí tham quan di tích đối với một số điểm di tích trên như sau:
- Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám: 70.000 đồng/ lượt/ khách;
- Di tích Đền Ngọc Sơn: 50.000 đồng/lượt/ khách;
- Di tích Nhà tù Hỏa Lò: 50.000 đồng/lượt/ khách;
- Trung tâm Hoàng thành Thăng Long: 100.000 đồng/lượt/khách;
- Di tích Cổ Loa: 30.000 đồng/lượt/khách;
- Di tích Chùa hương: 120.000 đồng/lượt/khách;
- Di tích Đền Quán Thánh: 10.000 đồng/lượt/khách;
- Làng cổ Đường Lâm: 20.000 đồng/lượt/khách;
- Chùa Thầy: 10.000 đồng/lượt/khách;
- Chùa Tây Phương: 10.000 đồng/lượt/khách.
Như vậy, hầu hết phí tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đều tăng. Trong đó, phí tham quan cao nhất là Chùa Hương với mức 120.000 đồng (hiện là 78.000 đồng/lượt); tăng cao nhất là phí tham quan Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, với mức phí 100.000 đồng/lượt, gấp hơn 3 lần so với hiện nay.
Cũng theo đề xuất, đối tượng miễn thu phí tham quan gồm người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 và trẻ em dưới 16 tuổi.
Đối tượng giảm 50% mức phí gồm: Người khuyết tật nặng theo quy định tại khoản 2, Điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ; Người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên, học sinh, học viên - sinh viên từ 16 tuổi trở lên có giấy tờ chứng minh; Các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa (nhân dân ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa); Người có công với cách mạng; người thuộc diện chính sách xã hội;
Thành phố sẽ không thu phí tham quan tất cả các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh vào ngày di sản văn hóa 23/11.
Đối với di tích Đền Ngọc Sơn: không thu phí ngày giỗ Thánh 20/8 âm lịch; các ngày mồng 1 âm lịch hàng tháng trong năm; đối với chùa Hương là ngày 30, 01, 02 tết Nguyên đán; ngày lễ Phật Đản (15 tháng 4 âm lịch)
Đối với Đền Quán Thánh, Chùa Tây Phương, Chùa Thầy, Làng cổ Đường Lâm thành phố không thu phí các ngày 30/12 âm lịch, ngày mùng 01,02 tết Nguyên đán.
Dự thảo Nghị quyết dự kiến trình HĐND TP. Hà Nội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 14, được tổ chức từ ngày 5- 8/12/2023.