Thu ngân sách giảm do COVID-19
Theo báo cáo của UBND thành phố, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý III ước tăng 3,05% - gấp 1,16 lần mức tăng GDP của cả nước (2,62%); tuy thấp hơn quý I (tăng 4,43%) nhưng cao hơn quý II (tăng 2,41%), thể hiện xu hướng tăng trở lại. Lũy kế 9 tháng năm 2020, GRDP Hà Nội tăng 3,27%, gấp 1,54 lần mức tăng của cả nước (2,12%).
Kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý III có 5 điểm nổi bật. Sản xuất nông nghiệp tăng khá cao và dự báo quý IV tiếp tục tăng ổn định; sản xuất công nghiệp khôi phục hoạt động bình thường trở lại và dần lấy lại đà tăng trưởng; ngành xây dựng tiếp tục tăng cao nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công công trình; hoạt động bán buôn, bán lẻ tiếp tục tăng cao; hệ thống tín dụng, ngân hàng ổn định, dư nợ tín dụng ngân hàng duy trì tăng trưởng khá.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước thực hiện quý III là 50.027 tỷ đồng, đạt 17,9% dự toán; lũy kế 9 tháng qua, thành phố đã thu được 176.937 tỷ đồng, đạt 63,5% dự toán, bằng 92,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Thu ngân sách 9 tháng qua đạt thấp so với tiến độ và giảm so cùng kỳ chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và trong kỳ có 13.829 tỷ đồng số thuế và tiền thuê đất đến hạn nộp được gia hạn theo Nghị quyết số 41/2020/NQ-CP. Nếu tính cả số thu được gia hạn này, tổng thu ngân sách ước thực hiện 9 tháng là 190.766 tỷ đồng, đạt 68,4% dự toán, bằng 100,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, các lĩnh vực văn hóa, xã hội thành phố tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm. 100% người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được nhận hỗ trợ. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và khai giảng năm học mới 2020-2021 diễn ra an toàn.
Phát triển kinh tế đêm
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long đã nêu 3 kiến nghị với TP, gồm: Xem xét cho quận sớm thí điểm triển khai mô hình kinh tế ban đêm; cho phép quận triển khai mở rộng không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; cho phép triển khai thi công “cột mốc km số 0” vì hiện cuộc thi thiết kế cột mốc số 0 đã hoàn thành.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đang phối hợp với quận Hoàn Kiếm để triển khai thí điểm mô hình kinh tế ban đêm. Đồng thời, sẽ nghiên cứu, đề xuất với TP nhân rộng mô hình này ra các quận, huyện khác một cách phù hợp.
Phân tích rõ hơn về mô hình kinh tế ban đêm sẽ triển khai thí điểm ở quận Hoàn Kiếm, bà Ngô Minh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch được bổ sung gắn với kinh tế đêm.
“Chúng tôi đang nghiên cứu, đề xuất và dự kiến hoạt động kinh tế đêm tại Hoàn Kiếm sẽ tập trung vào các dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, du lịch, vận chuyển, tài chính ngân hàng…
Đặc biệt, không giới hạn thời gian vào tất cả các ngày trong tuần. Riêng các không gian đi bộ tổ chức từ tối thứ 6 đến 24h tối chủ nhật hàng tuần. Còn các điểm di tích, di sản dự kiến mở cửa đến 22h hàng ngày”, bà Hoàng cho biết.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, trong 3 tháng cuối năm 2020, Sở Xây dựng sẽ tập trung rà soát để tăng cường xây dựng hạ tầng cấp nước sạch ở khu vực nông thôn. Trong đó, Sở sẽ tập trung tuyên truyền để người dân sử dụng nước sạch, tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án cấp nước nông thôn, thậm chí thu hồi dự án của các nhà đầu tư triển khai dự án quá chậm.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng đề xuất thành phố nghiên cứu khung giá nước áp dụng tại khu vực nông thôn để có cơ chế riêng cho khu vực này, đặc biệt là quy định về giá nước lũy kế, sử dụng càng nhiều thì giá nước càng tăng cao.
Ông Phong đề nghị thành phố nghiên cứu, áp dụng cơ chế “một giá” đối với nước sạch tại khu vực nông thôn để khuyến khích người dân sử dụng nước sạch và nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch tại khu vực nông thôn.
Liên quan đến việc xử lý rác thải của thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trung bình lượng rác thải trên địa bàn thành phố khoảng 6.500 tấn/ngày. Trong khi đó, công suất xử lý, chôn lấp rác thải vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Sở Xây dựng đang phối hợp với Sở TN&MT xây dựng các ô chôn lấp, vận hành và đưa vào sử dụng vận hành lò đốt rác bằng điện để xử lý hiệu quả lượng rác thải phát sinh trên địa bàn Thủ đô.