Đột phá kinh tế đêm: 'Mỏ vàng' thời hậu COVID-19

Phố đi bộ Bùi Viện (quận 1), một trong những địa điểm có thế mạnh về kinh tế đêm ở TPHCM mở cửa trở lại từ tối 7/9 sau khi dịch COVID-19 lắng xuống
Phố đi bộ Bùi Viện (quận 1), một trong những địa điểm có thế mạnh về kinh tế đêm ở TPHCM mở cửa trở lại từ tối 7/9 sau khi dịch COVID-19 lắng xuống
TP - Là đầu tàu kinh tế, trung tâm văn hóa, khoa học – kỹ thuật của cả nước, từng có danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông”, TPHCM luôn là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Nhưng thực tế, không ít du khách chỉ đến một lần vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là các hoạt động mua sắm, dịch vụ, giải trí ban đêm vắng bóng và chưa hấp dẫn.

Không đến TPHCM để ngủ

Là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân chuyên kinh doanh các mặt hàng thủy hải sản đã qua chế biến, hầu như tháng nào, ông Nguyễn Thanh Tuấn (41 tuổi) cũng từ TP Cần Thơ lên TPHCM vài lần để gặp các đối tác. Thông thường, ông đi và về trong ngày, bất đắc dĩ mới nán lại giải quyết cho xong công việc. “TPHCM cũng như TP Cần Thơ, cứ khoảng 23 giờ đêm là cửa hàng, quán ăn đóng cửa hết. Muốn ăn khuya, mời bạn bè nhậu lai rai hay hát karaoke…xả stress phải bắt taxi ra trung tâm quận 1 để tìm quán, rất cực. Ở lại TPHCM tốn tiền khách sạn mà chẳng hứng thú gì thì về nhà tốt hơn”, ông Tuấn nói.

Sự thiếu hụt các hoạt động kinh tế đêm cũng là bức xúc của chính người dân TPHCM, đặc biệt là các quận vùng ven, ngoại thành…vì muốn giải quyết nhu cầu ăn uống, vui chơi giải trí có khi phải đi xa hàng chục cây số. Chị Đặng Minh Thùy (28 tuổi, hướng dẫn viên Saigon Tourist) kể: Du khách nước ngoài và cả du khách trong nước phàn nàn khi tới TPHCM thì buổi tối chỉ biết ngồi la cà quán cà phê hoặc các quán ăn, đến 23 giờ thì phải giải tán vì đến giờ quán đóng cửa. Muốn ngồi lâu hơn thì ra phố đi bộ Bùi Viện (quận 1) làm vài ly bia nhưng gần đây nhiều người ngại đến vì phố đi bộ trở thành “phố nhậu”, tình hình an ninh trật tự phức tạp.

“Khách du lịch đến Việt Nam là muốn trải nghiệm và khám phá, chứ ít ai muốn đi ngủ lúc 22 giờ. Du khách đến từ các quốc gia có sự chênh lệch lớn về múi giờ thì nhu cầu giao dịch, đi lại vào ban đêm càng lớn. Phố đi bộ Nguyễn Huệ là một địa điểm rất đẹp, có rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế đêm nhưng tiếc là không có nơi để du khách tiêu tiền bởi cả con đường dài đến 670 m này gần như không có dịch vụ ẩm thực, hoạt động vui chơi giải trí nào được tổ chức”, chị Thùy nhận xét.

Trong nhiều hội nghị kết nối du lịch TPHCM với các tỉnh Tây Nam bộ gần đây, lãnh đạo một số doanh nghiệp lữ hành chỉ ra sự nghèo nàn, thiếu vắng hoạt động kinh tế đêm làm không ít du khách hụt hẫng, không muốn quay lại. Kinh tế đêm chưa phát triển, lịch trình khám phá TPHCM của du khách thường chỉ tập trung vào ban ngày. Các tua (tour) du lịch ở TPHCM hầu hết chỉ gói gọn trong 1 - 2 ngày, thậm chí nửa ngày.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch lữ hành Hiền Hòa, nói rằng mức chi tiêu trung bình một ngày của du khách nước ngoài đến Việt Nam chỉ nhỉnh hơn 50% so với Thái Lan, trong đó chủ yếu là chi cho việc thuê phòng lưu trú và ăn uống. Đó là lý do lượng du khách quốc tế đến Việt Nam và TPHCM nói riêng tăng mạnh nhưng doanh thu từ du lịch tăng chưa tương xứng. “Doanh thu sản phẩm dịch vụ du lịch vào ban ngày chỉ chiếm 30%. 70% còn lại nằm ở khung giờ đêm”, ông Hiền nói. Theo ông, việc thiếu các điểm vui chơi giải trí về đêm không chỉ giảm nguồn thu từ du khách quốc tế mà còn có thể gây ra tình trạng “chảy máu ngoại tệ”.

Vực dậy nền kinh tế

Theo Sở Công Thương TPHCM, các hoạt động kinh tế đêm thực tế đã manh nha từ nhiều năm qua ở TPHCM như chợ đêm Bến Thành (quận 1), chợ đêm Kỳ Hòa (quận 10), chợ đêm dành cho người bán hàng rong (quận Tân Bình)… Bên cạnh đó, các khu ẩm thực về đêm tại một số tụ điểm, đặc biệt là tuyến đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3) được mệnh danh là “con đường ẩm thực” của TPHCM.

Trên đường Nguyễn Thượng Hiền, các tiểu thương bán hàng ăn cả ngày, nhưng buổi tối và đêm là cao điểm phục vụ khách du lịch. Không chỉ những phố ăn đêm, chợ đêm, phố đi bộ, cả những quán cà phê, cửa hàng tiện lợi phục vụ 24 giờ cũng đang rất phát triển ở TPHCM, góp phần vào sự nhộn nhịp kinh tế đêm của thành phố. Tuy nhiên, so với tiềm năng và nhu cầu thực tế, các hoạt động kinh tế đêm tại TPHCM còn quá ít và chưa đa dạng, đặc biệt là thiếu vắng các dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, giải trí…

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, “cú sốc” COVID-19 đã khiến kinh tế thành phố bị tác động mạnh. Bình thường, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân luôn đạt trên 8%, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh, chỉ còn khoảng 2%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là bởi tỷ trọng các ngành dịch vụ chiếm trên 60% tổng cơ cấu kinh tế của TPHCM. Năm 2019, du khách nước ngoài đến TPHCM có 8,6 triệu người, thời gian lưu lại bình quân 3,6 ngày, mức tiêu tiền bình quân 150 USD/người/ngày. Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề đã kéo giảm tăng trưởng kinh tế của TPHCM.

“Việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ về đêm đang được xem là giải pháp quan trọng và cấp thiết để TPHCM tự thân có sự cuốn hút du khách. Đó cũng là cơ sở để TPHCM tạo điều kiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn về du lịch triển khai, hình thành các sản phẩm du lịch đêm chất lượng”, ông Phong nói.

Mới đây, làm việc với lãnh đạo TPHCM để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý TPHCM cần đảm bảo an ninh trật tự để thúc đẩy các loại hình kinh tế đêm bởi theo tính toán, cứ 4 tiếng đồng hồ tăng thêm kinh tế ban đêm thì sẽ đóng góp từ 5-8% tổng thu nhập của TPHCM.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM:

Nâng chất lượng dịch vụ, mở rộng các câu lạc bộ giải trí về đêm

“Ðề án tăng cường các hoạt động giải trí về đêm có hai nhóm giải pháp chính. Thứ nhất là hoàn thiện và nâng chất lượng các cơ sở, dịch vụ giải trí về đêm hiện tại, nâng chất lượng về nhân sự, dịch vụ đạt chuẩn, đảm bảo công tác an toàn an ninh cho các hoạt động giải trí về đêm. Thứ hai là tập trung phát triển các dịch vụ, cơ sở và sản phẩm để tăng hoạt động kinh tế về đêm trên cơ sở phối hợp với các sở ban ngành, quận huyện tăng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật với nhiều chương trình đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách và người dân thành phố.

TPHCM sẽ tập trung phát triển các khu ẩm thực, khu mua sắm, hoạt động về đêm, gắn liền với việc đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh ẩm thực và hoạt động biểu diễn, ngành du lịch sẽ quy hoạch và phát triển mở rộng các câu lạc bộ giải trí về đêm, đảm bảo các hoạt động này mang tính chất giải trí lành mạnh”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.