Hà Nội đang thừa nhà cao tầng thiếu hạ tầng công cộng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau 10 năm thực hiện Luật Thủ đô, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, mặc dù đạt được một số kết quả, nhưng đô thị nội đô Hà Nội đang thừa nhà cao tầng, thiếu hạ tầng cho công cộng và giao thông đi lại.

Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức Hội thảo “Đánh giá tác động của một số chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tại hội thảo, TS Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII ban hành năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Qua hơn 8 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả trong thực tiễn, tuy vậy cũng đã bộc lộ một số tồn tại và yêu cầu mới trong bối cảnh mới. Thành ủy, HĐND, UBND TP đã có kế hoạch đánh giá kết quả thi hành Luật và nghiên cứu đề xuất chính sách lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Hà Nội đang thừa nhà cao tầng thiếu hạ tầng công cộng ảnh 1

Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội đang thừa nhà cao tầng, thiếu hạ tầng cho công cộng và giao thông đi lại. Ảnh: Anh Trọng

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phát biểu ý kiến, đối với phát triển, cải tạo, chỉnh trang đô thị, đây là chính sách có tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành và được quy hoạch cụ thể trong các điều của Luật Thủ đô 2013. Trong nghiên cứu đề xuất lần này, đã thể hiện nhiều nội dung cụ thể. Điển hình như cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị nội đô lịch sử; Quản lý, phát triển nhà ở; Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật gắn với phát triển đô thị, thương mại, công nghiệp; Xây dựng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh với…

Cho quan điểm đánh giá, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh, trong đề xuất còn thiếu vắng một số chính sách đặc thù được xác định trong định hướng phát triển Thủ đô. Cụ thể: Phát triển đô thị mới, đô thị vệ tinh, đô thị thông minh; Phát triển hệ thống phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng sống của nhân dân Thủ đô; Quản lý, phân bố dân số. Bên cạnh đó cũng cần xem xét, điều chỉnh một số đề xuất: Chính sách 5 không nên giới hạn nội đô lịch sử. Hà Nội là nội đô lịch sử, trong phát triển ngoài nội đô lịch sử còn nhiều khu vực cần hài hòa giữa phát triển với cải tạo, chỉnh trang, như các khu cảnh quan, thành cổ Sơn Tây, thị trấn sinh thái. Chính sách 7: Phát triển hạ tầng kỹ thuật cần đảm bảo hài hòa trong phát triển đô thị, không nên quá nhấn mạnh vì thương mại công nghiệp. Chính sách 15 đề xuất liên quan đến bảo vệ môi trường, cần đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chưa khai thác được không gian ngầm, sông nước

Đánh giá về phần phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, TS Trần Danh Lợi - Ủy viên Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội cho ý kiến: đề xuất, đối với không gian ngầm, phải nhanh chóng có quy hoạch cho không gian ngầm Hà Nội để kêu gọi đầu tư cho hệ thống đỗ xe. Trước mắt có thể làm ngay cho nơi đỗ xe tại các sân bay có thể 3 đến 5 tầng ngầm, tránh việc đỗ xe tự phát các khu vực lân cận không gian quy hoạch và phát sinh nhiều tiêu cực xã hội như sân bay Quốc tế Nội Bài, các khu vực ngầm dưới công viên trong vùng nội thành.

Hà Nội đang thừa nhà cao tầng thiếu hạ tầng công cộng ảnh 2

TS Trần Danh Lợi - Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Anh Trọng

Cùng với đó, ông Lợi cho rằng, tại các nhà cao tầng cần có thiết kế không gian ngầm cho các tuyến Metro đi qua nhất là các khu đô thị lớn đây cũng là đầu bài các cơ quan nhà nước giao cho khi thiết kế. Ga Hà Nội sớm có quy hoạch không gian ngầm cho các tuyến Metro đi ngầm sao cho không gian ngầm tại đó đảm bảo không gây khó khăn cho nhau khi các tuyến trung chuyển tại đây.

Theo ông Lợi, sau 10 năm thực hiện Luật Thủ đô, đô thị nội đô đang được phát triển theo hướng cứ có đất là xây nhà cao tầng, trung tâm thương mại, dẫn đến thành phố đang có quá nhiều tòa nhà cao tầng nhưng không gian cho đô thị phát triển bền vững như công viên, công trình công cộng, đường giao thông lại quá ít và không đạt chỉ tiêu yêu cầu.

Cùng với đó ông Lợi cũng cho rằng, thành phố mới chỉ chú trọng đến không gian trên mặt đất, còn không gian ngầm, không gian sông nước chưa được khai thác, tận dụng các thế mạnh cho phát triển đô thị.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.