Từ Trạm vũ trụ quốc tế sẽ nhìn thấy đường Vành đai 4

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kỳ họp chuyên đề HĐND thành phố Hà Nội sáng 20/5 thống nhất chi hơn 23.500 tỷ đồng làm 58,2km đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Dự kiến bố trí vốn và giải ngân các năm giai đoạn 2021 - 2025.

Sáng 20/5, HĐND thành phố Hà Nội tổ chức kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết định chủ trương bố trí, cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô.

Với 100% đại biểu có mặt, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết về chủ trương bố trí, cân đối vốn cho dự án.

Theo đó, nguồn vốn đầu tư dự kiến 85.813 tỷ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách thành phố Hà Nội dự kiến 23.524 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2025 là 19.477 tỷ đồng; giai đoạn 2026- 2030 là 4.047 tỷ đồng).

Từ Trạm vũ trụ quốc tế sẽ nhìn thấy đường Vành đai 4 ảnh 1

Phiên họp HĐND thành phố Hà Nội sáng 20/5

Hà Nội dự kiến bố trí vốn và giải ngân năm 2022 khoảng 100 tỷ đồng, 2023 khoảng 8.397 tỷ đồng, 2024 khoảng 5.955 tỷ đồng, 2025 khoảng 5.025 tỷ đồng.

UBND thành phố cam kết đảm bảo nguồn vốn thực hiện theo tiến độ. Kế hoạch vốn bố trí hàng năm sẽ được UBND TP trình HĐND thành phố quyết nghị cụ thể trên cơ sở thủ tục, tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo luật định.

Tiến độ và thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2027.

Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô có chiều dài 112,8km, trong đó qua thành phố Hà Nội 58,2km, tỉnh Hưng Yên 19km, tỉnh Bắc Ninh 25,6km và tuyến nối quốc lộ 18 dài 9,7km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên.

Dự án được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần. Trong đó, nhóm 1 với 3 dự án thành phần giải phóng mặt bằng ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Nhóm 2 với 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn 3 địa phương. Nhóm 3 với một dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc theo phương thức đối tác công tư loại hợp đồng BOT.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tiến Minh (Thường Tín) cho rằng, đây là công trình rất lớn trên địa bàn Thủ đô và Vùng Thủ đô Hà Nội, với quy mô, tổng mức đầu tư thuộc dạng lớn nhất từ trước tới nay.

Ông Minh lấy ví dụ về cây cầu Cổng Vàng của Mỹ, dài khoảng 2.700 mét nhưng nhìn thấy được từ Trạm Vũ trụ Quốc tế. "Cây cầu cạn đường Vành đai 4 đi qua 3 tỉnh (trong đó Hà Nội là 58,2km) với mặt cắt 120 mét. Phần cầu cạn có tổng chiều dài khoảng 72km, từ Trạm Vũ trụ Quốc tế cũng sẽ nhìn thấy được", ông Minh nói, đồng thời cho rằng, đây là phiên họp mang tính lịch sử với Thủ đô Hà Nội.

Bí thư huyện uỷ Thường Tín cũng thông tin, huyện đang phấn đấu để khoá sau trở thành một quận của Thủ đô Hà Nội. Huyện hướng tới phát triển mạnh về du lịch, rất mong muốn tận dụng được công trình đường Vành đai 4.

Theo ông Minh, trên địa bàn huyện, đường Vành đai 4 sẽ nối hai địa phương Hưng Yên với Hà Nội. Phía Hưng Yên là xã Mễ Sở, bên Hà Nội có xã Hồng Vân. Cây cầu nối hai bên chưa có tên, nhưng theo ông Minh, Hà Nội nên báo cáo T.Ư đặt tên là Chí Nghĩa, bởi được lấy theo ý từ hai câu nổi tiếng trong bài Bình Ngô Đại cáo.

Ông Minh cũng cho rằng, kết cấu của cầu cần tạo điểm nhấn cho việc phát triển du lịch, như cầu Cổng Vàng của Mỹ một năm đón hàng chục triệu du khách đến thăm quan. Huyện cũng đang chờ thành phố phê duyệt giá đất để tiến tới đấu giá, khởi công dự án lưu niệm tưởng nhớ danh nhân Nguyễn Trãi, trong khuôn viên có tháp Chí Nghĩa, nhìn thấy được từ đường Vành đai 4 để kích thích phát triển du lịch...

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Xuyên) cho rằng, dự án đường Vành đai 4 có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá Thủ đô, tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội và Vùng Thủ đô, kết nối các đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm. "Hiện nay, đường Vành đai 3 đang đảm nhận đã quá tải. Khi có đường Vành đai 4 sẽ giảm ùn tắc cho Vành đai 3, góp phần phát triển đô thị hai bên tuyến, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng", ông Nam nói.

Trong khi đó, đại biểu Vũ Mạnh Hải (Thường Tín) nêu, trong quá trình thiết kế đường Vành đai 4, nếu có đi qua một số khu vực làng nghề có tỷ trọng kinh tế cao, phát triển du lịch sinh thái, môi trường, xuất hàng đi quốc tế, nên chú ý đến nhu cầu sử dụng kết nối của các làng nghề.

"Khi thiết kế một số cây cầu, ngoài chức năng giao thông thì cũng nên nghiên cứu, quan tâm đến nhu cầu thẩm mỹ. Mỗi cây cầu xây dựng bây giờ không dừng lại ở tiêu chí an toàn giao thông mà còn trở thành các công trình văn hoá", ông Hải nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
TPO - Năm nay, tiền lương bình quân của người lao động tại Cần Thơ đạt hơn 8,3 triệu đồng/người/tháng. Người được trả lương cao nhất tại Cần Thơ là hơn 151 triệu đồng/tháng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).