Dự án đường Vành đai 4: Kiến nghị Quốc hội thông qua cơ chế đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ðường Vành đai 4 đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh vừa có thêm mục tiêu được Chính phủ đặt ra là giúp phục hồi kinh tế. Do có “mục tiêu kép” nên thay vì hoàn thành vào năm 2030, tuyến đường vừa được xác định hoàn thành năm 2025 (rút ngắn 5 năm so với phương án mà đơn vị Tư vấn (gọi tắt:Tư vấn) đề xuất).
Dự án đường Vành đai 4: Kiến nghị Quốc hội thông qua cơ chế đặc biệt ảnh 1
Thiết kế đường Vành đai 4 với 14 làn xe. Ảnh: Trọng Ðảng

Giảm hơn 8.000 tỷ đồng, rút ngắn thi công 5 năm

Sau gần 10 lần yêu cầu thành phố Hà Nội và Tư vấn điều chỉnh phương án thiết kế, bổ sung, hoàn thiện các phương án thi công, lãnh đạo Chính phủ vừa họp với UBND thành phố Hà Nội, các bộ, ngành có liên quan trong đó có Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng… và đi đến thống nhất các nội dung triển khai Vành đai 4 được nêu ra tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

So với tờ trình được UBND thành phố báo cáo lãnh đạo Chính phủ lần đầu tiên vào giữa năm 2021, tờ trình vừa được UBND thành phố và Tư vấn trình bày với lãnh đạo Chính phủ có nhiều nội dung thay đổi theo hướng rút gọn.

Về thời gian thi công và tổng mức đầu tư có sự thay đổi lớn. Trước đó Hà Nội và nhà đầu tư đề xuất là 95.045 tỷ đồng, nay được điều chỉnh xuống còn 85.813 tỷ đồng, giảm hơn 9.200 tỷ đồng. Với phương án thi công được điều chỉnh hoàn thành năm 2025, rút ngắn 5 năm.

Sau khi các nội dung trên được lãnh đạo Chính phủ thống nhất, cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký tờ trình số 126/TTr-CP gửi Quốc hội về: Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (PPP). “Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với những nội dung đã được Chính phủ thống nhất”, Tờ trình của đại diện Chính phủ nêu.

“Ngoài vai trò giảm ùn tắc giao thông cho các tỉnh thành phố Vành đai 4 đi qua, dự án còn có vai trò tạo động lực, sức lan tỏa nhằm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Vùng Thủ đô và đất nước, Chính phủ kiến nghị Quốc hội thông qua các cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho dự án Vành đai 4 như đã nêu trên”.

Ðại diện Chính phủ nêu trong tờ trình gửi Quốc hội

Mong chờ cơ chế đặc thù

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, để giảm hơn 8.000 tỷ đồng, rút ngắn thời gian thi công 5 năm so với phương án trước đây, dự án Vành đai 4 cần một số cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép.

Theo đại diện Bộ KH&ĐT, theo kế hoạch huy động nguồn vốn hơn 85.000 tỷ đồng cho dự án, thì vốn ngân sách là 56.403 tỷ đồng (chiếm khoảng 65%), vốn huy động PPP hợp đồng BOT là 29.410 tỷ đồng (khoảng 34,2%). Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư Đối tác công tư (PPP), tại các dự án đầu tư theo hình thức PPP vốn nhà nước không được tham gia quá 51% tổng mức đầu tư dự án. Do vậy, để triển khai dự án Vành đai 4 theo kế hoạch huy động vốn như trên, Quốc hội cần có Nghị quyết, chủ trương riêng cho tuyến đường Vành đai 4.

Với vai trò là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm thực hiện dự án, thành phố Hà Nội thống nhất với Bộ KH&ĐT để đề xuất với Quốc hội về việc cho phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021- 2025). Cụ thể, Quốc hội cho phép điều chuyển số vốn 14.250 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ GTVT về các địa phương thực hiện dự án, phương thức phân bổ: Hà Nội 8.400 tỷ đồng, Hưng Yên 3.740 tỷ đồng, Bắc Ninh 2.110 tỷ đồng. Cho phép sử dụng linh hoạt vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương để thực hiện Dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp cơ cấu nguồn vốn, tiến độ thực hiện dự án.

Trong tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ đề xuất được phát hành trái phiếu để các địa phương có vốn thực hiện dự án trong 2 năm 2024- 2025; các địa phương chịu trách nhiệm cân đối nguồn thu của ngân sách địa phương để hoàn trả ngân sách trong giai đoạn 2026- 2030; xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án thành phần...

Tránh tình trạng vật liệu xây dựng, đất đắp nền, đắp đường không gặp khó khăn như cao tốc Bắc - Nam, Chính phủ đề nghị Quốc hội: Cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

MỚI - NÓNG