Hà Nội đã mở rộng, sao vẫn “qui hoạch xen cấy”?

Hà Nội đã mở rộng, sao vẫn “qui hoạch xen cấy”?
TP - Kiến trúc sư Trần Thanh Vân đã viết nhiều bài báo cho Tạp chí Quy hoạch xây dựng, và các báo điện tử nói rõ quan điểm: “Mở rộng Thủ đô là đáp ứng nhu cầu phát triển và mở rộng là cách duy nhất trân trọng và bảo tồn Hà Nộ cũ”, đã lên tiếng về vụ việc chợ 19-12.

>> Hãy trả lại cho con phố vai trò từng có
>> Chợ truyền thống 'cõng' trung tâm thương mại
>> Thành phố đang lắng nghe ý kiến nhân dân!
>> Nhà sử học Dương Trung Quốc: Nên thay cao ốc bằng một con đường
>> Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Nên chuyển thành một vườn hoa

Hà Nội đã mở rộng, sao vẫn “qui hoạch xen cấy”? ảnh 1
Ảnh: Phạm Yên

Bà Vân nói: Tôi cũng đã phát biểu nhiều lần rằng: Tôi mãi mãi giữ quan điểm phản đối cái gọi là “QUY HOẠCH XEN CẤY”. Quả vậy, Hà Nội mấy chục năm qua như tấm áo đã quá chật, nhu cầu phát triển là chính đáng, nhưng hướng mở rộng đã chặn hết nên người ta cứ thay nhau giành giật từng khoảng trống còn lại của khu nội thành cũ, tự nghĩ ra đủ cách để “cấy”.

Mới đây người dân Hà Nội lại râm ran về việc xây toà trung tâm thương mại 17 tầng trên nền “Chợ âm phủ”.

Di tích tâm linh

Bà nghĩ gì về việc xây trung tâm thương mại tại “Chợ âm phủ”?

Tôi không rõ dự án xây tòa nhà này là sáng kiến của ai, nhưng không nên có một dự án như thế. Xưa kia, nơi đây là đoạn phố ngắn, nối phố Lý Thường Kiệt với phố Hai Bà Trưng, sát ngay Tòa án tối cao.

Tuổi thơ chúng tôi có nhiều kỷ niệm tại đó. Đêm 19/12/1946, cha tôi và các Đội viên Đội tự vệ thành Hoàng Diệu đã chiến đấu với quân Pháp ở Nhà Đấu xảo (sau đổi tên là Nhà hát Nhân dân và nay là Cung văn hóa Lao động Hà Nội).

Nhiều bạn chiến đấu của cha tôi đã ngã xuống trong đêm và yên nghỉ tại khu vực “Chợ âm phủ”. Những năm 1955-1960, tôi học trường cấp 2, 3 Việt Đức tại 47 Lý Thường Kiệt, chúng tôi thường đến nơi đây chơi.

Đó là một nghĩa trang, không có hàng lối, không có từng ngôi mộ mà chỉ là một đống đất to, cỏ mọc xanh um, bên cạnh đó những cây long não cũng xanh tốt, rợp bóng mát.

Sau đó, nghĩa trang được dời đi, nơi này thành chợ tạm. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là tạm, còn bây giờ định đè lên đó toà nhà 17 tầng thì thật khủng khiếp.

Nói là chợ tạm nhưng “Chợ âm phủ” đã tồn tại nhiều năm, không lẽ chúng ta không nên xây một tổ hợp chợ-trung tâm thương mại tại đây, xóa đi cái nhếch nhác ở  con phố này?    

Ở đâu trong thành phố cũng có chợ tạm: chợ Hòe Nhai, chợ Hàng Bè, chợ Nguyễn Cao… Sao không giữ lại làm một nơi tưởng niệm, như lịch sử đã hình thành nên nó. Nơi ấy, người dân đi qua thảnh thơi, thư thả, nghĩ về một thời cha ông đã trải qua, đã nằm xuống. Đây chính là di tích tâm linh, cho dù có thể chưa có cơ quan nào công nhận.

Cần nhắc nhở rằng, nơi đây từng là nấm mồ chôn tập thể, nhiều người dân, nhiều chiến sỹ yêu nước ngã xuống. Họ chết tập thể, di dời đi cũng tập thể. Nhưng dù có đi đâu, đây vẫn là nơi đã an táng những người mà lịch sử không bao giờ được phép quên. Cho nên, chợ tạm mới có tên là “Chợ âm phủ”. 

Lựa chọn tầm nhìn và lợi ích

Cùng với xóa bỏ cơi nới, Hà Nội không chấp nhận, và cần  đoạn tuyệt với bệnh xen cấy như hiện nay. Bây giờ là lúc không nên xen cấy nữa, và đến một lúc nào đó, cần nhổ hẳn những công trình xen cấy không đúng chỗ, để thành phố không còn pha tạp nữa

Bà đã nhắc nhiều đến khái niệm “xen cấy” trong quy hoạch  thực chất thông điệp mà bà muốn  nói là gì?

Hà Nội cũ vốn rất đẹp, cần phải gìn giữ. Đó là vẻ đẹp như ta thấy ở những con phố cổ, phố cũ xưa kia. Tiếc là, những kiến trúc mới lai căng, đang phá đi bức tranh đẹp đó. Nhưng ta vẫn có thể phục hồi, gìn giữ, nếu có quyết tâm.

Tôi ủng hộ mở rộng Thủ đô, để kéo những cái mới dãn ra đó, để có thể giữ lại một Hà Nội trong tâm tưởng của biết bao người. Lúc đó, “bệnh dịch” cơi nơi sẽ trở thành quá khứ.

Cùng với xóa bỏ cơi nới, Hà Nội không chấp nhận, và cần  đoạn tuyệt với bệnh “xen cấy” theo lối tiểu nông, như cách làm hiện nay. Bây giờ là lúc không nên xen cấy nữa, và đến một lúc nào đó, cần nhổ hẳn những công trình xen cấy không đúng chỗ, để thành phố không còn pha tạp.

Nhưng, như bà cũng biết, đó thực sự là những khu đất vàng, có thể đem lại cho thành phố một nguồn thu khá lớn?

Nếu lấy lợi nhuận là chính, chỉ là cách nhìn ngắn, kiểu “ăn xổi”. Chúng ta cần tầm nhìn xa. Lợi nhuận chỉ thực sự có được khi có một tầm nhìn, đó là ở chỗ ta dãn ra, đến những chỗ thành phố đã mở.

Phải hút đầu tư đến nơi đó. Phát triển bền vững mới là quan trọng. Nếu đứng về lợi ích của Nhà nước, cần phải có một tầm nhìn dài hạn. Thủ đô đã mở rộng rồi, không lẽ chúng ta cứ tiếp tục quay lại  “băm nát” Hà Nội nữa hay sao.

Đừng đánh mất lịch sử

Hà Nội đã mở rộng, sao vẫn “qui hoạch xen cấy”? ảnh 2
Kiến trúc sư Trần Thanh Vân

Thưa bà, các các cấp có trách nhiệm khi phê duyệt dự án, không thể không nghĩ đến những điều mà bà đã nói?

Tôi không biết họ nghĩ thế nào, nhưng nếu họ chấp nhận sự cấy ghép đó, chấp nhận ý tưởng đề xuất đó, thì là đáng buồn. Còn với thành phố, nếu bỏ đi một di tích như thế, sẽ là bỏ đi một di tích lịch sử quan trọng-một dấu ấn đã khắc sâu của thế kỷ qua.

Việc đó, giống như xóa đi một chứng tích vật thể của lịch sử, chỉ để đổi lấy lợi ích trước mắt. Cái dấu ấn lịch sử bi tráng, như nhà thơ Chính Hữu đã viết:

“Nhớ buổi ra đi đất trời bốc lửa
Cả đô thành nghi ngút cháy sau  lưng”.

Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, sao những nhà quản lý không bảo tồn nơi này thành một di tích, là một công trình để kỷ niệm?

Vậy, nếu không làm tổ hợp thương mại, theo bà nên bảo tồn di tích này như thế nào?

Một con phố nhỏ, yên tĩnh. Một tấm bia để tưởng niệm, và một chiếc lư hương nhỏ, để con cháu những người từng nằm lại đây và nhân dân ta tưởng nhớ họ.

Cảm ơn bà!

Hồng Phúc

(thực hiện)

MỚI - NÓNG