Hà Nội có năm mùa?

Hà Nội có năm mùa?
TP - Nhiều lần được ra xứ Bắc thấy đủ bốn mùa xuân hạ thu đông. Riêng về Hà Nội khoảng cuối thu đầu đông tôi lại phát hiện thêm ở đây có thêm một mùa nữa. Ấy là mùa kết nạp hội viên!
Hà Nội có năm mùa? ảnh 1
Nhiều nhà văn trẻ đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam  Anh: N.Đ.T

Thật đấy, vào những tháng cuối năm thường là mùa xét duyệt để kết nạp hội viên mới của các hội văn học nghệ thuật từ cấp chuyên ngành trung ương đến các địa phương.

Tôi học được cụm từ “mùa kết nạp hội viên” là do câu chuyện sau đây: Năm 2004, tôi ra Hà Nội, ghé vào trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam thăm chơi. Vì đến hơi sớm, người bảo vệ mời tôi ngồi chờ. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi bèn “buôn  chuyện”. Hỏi: - “Anh đến để xin vào Hội phải không?”. Tôi trả lời không, chỉ đến thăm chơi vài người quen.

Hỏi: - “Trông anh vừa lạ vừa có vẻ nông dân tôi cứ ngờ ngợ, không lẽ anh lại viết văn làm thơ (?!). Bây giờ đang là mùa kết nạp hội viên đó anh, tôi hay thấy các vị lạ mặt vào ra với giấy tờ, cặp táp, túi xách lỉnh kỉnh lắm! Anh đến các hội khác mà xem, cũng đều thế cả”!!!

Tôi nghĩ lẩn thẩn: - A, té ra cái mùa này cũng râm ran rôm rả hay ho thật đấy!

Câu chuyện nhỏ này khiến tôi nhớ lại lần mình được kết nạp vào Hội Nhà văn. Các anh chị ở Hội Nhà văn đã làm một việc rất đáng trân trọng mà đến nay những người sáng tác văn học ở Tây Nguyên còn nhớ mãi.

Ấy là vào sáng sớm (khoảng 7 giờ) một ngày tháng Mười năm 2002. Trại viết do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức tại trường chính trị Lê Hồng Phong, 220 đường Láng, Hà Nội còn chìm trong cơn ngái ngủ thì có một vị cao to đến gõ cửa từng phòng.

Người đó xưng danh là nhà văn Cao Tiến Lê, thường trực văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam. Anh chị em ngỡ ngàng chào hỏi. Sau khi thăm khắp lượt, anh Lê thuê tắc xi mời riêng các trại viên của khu vực Tây Nguyên về văn phòng Hội thăm chơi. Ở đó, lần đầu tiên chúng tôi được tiếp xúc, chuyện trò với một số nhà văn nhà thơ “trung ương”.

Cuối buổi gặp, nhà văn Cao Tiến Lê chỉ vào Nguyên Hương - một cây bút văn xuôi nữ trẻ của Đắk Lắk viết nhiều và hay, đã đoạt nhiều giải thưởng - bảo: - “Nguyên Hương đã in đủ đầu sách theo quy định rồi, chất lượng tốt, nộp đơn khi nào, Hội Nhà văn sẽ kết nạp khi đó”.

Xoay qua tôi, anh Lê nói: “Còn em, cố gắng in thêm một đầu sách nữa cho đúng quy chế thì Hội Nhà văn sẽ kết nạp sau”. Hôm ấy, sau bữa cơm trưa vui vẻ thân tình, chúng tôi ra về trong tâm trạng hân hoan.

Không rõ vì sao cho đến nay Nguyên Hương vẫn chưa nộp đơn. Riêng tôi, sau đó một năm, tháng 9/2003, nhờ một Mạnh thường quân giúp đỡ nên tập thơ thứ hai được in xong ở NXB Quân đội nhân dân.

Ngày 1/9, tôi vừa chạm chân ra Tam Đảo dự một trại viết thì nhận được điện thoại của NXB thông báo, liên hệ để lấy sách. Đợi khai mạc trại xong, ngày 3/9 tôi từ Tam Đảo về Hà Nội nhận sách. Tôi lại ghé số 9 Nguyễn Đình Chiểu (trụ sở Hội Nhà văn) thăm chơi và ký tặng nhà văn Cao Tiến Lê cuốn sách.

Ngắm nghía tập thơ một lát, anh Lê như sực nhớ ra điều gì: -“Đây là tập thơ thứ hai của em phải không?”. Tôi trả lời phải. Anh Lê nói: -“Thế thì làm đơn xin vào hội đi!”. Tôi bảo để xong trại viết Tam Đảo về Kon Tum làm thủ tục sẽ gửi sau. Anh Lê thúc: -“Không được đâu, đầu giờ chiều nay bọn anh họp để chuyển hồ sơ xin kết nạp cho các hội đồng rồi. Giấy đây, em viết ngay đi”.

Thế là tôi viết đơn ngay trên bàn làm việc của anh. Xong đơn, anh Lê hỏi có quen biết ai ở Hà Nội thì đi xin ngay hai chữ ký của hai hội viên chính thức giới thiệu.

Tôi nhớ lại những người đã hứa trước đây liền dong xe đến nhà anh Vũ Quần Phương, thật tiếc anh Phương đi vắng. Tìm anh Nguyễn Trọng Tạo, anh Tạo cũng vắng nốt. Tôi đến anh Trúc Thông, anh Thông cũng không có ở nhà. Đành quay về báo lại với anh Lê rằng để hôm khác vậy.

Anh Lê bảo đến anh Nguyễn Đức Mậu. Tôi thưa rằng tôi và anh Mậu chưa hề quen biết nhau, nay mới gặp đã nhờ vả, sao tiện? Anh Lê bảo cứ đến số 4 Lý Nam Đế (Tạp chí Văn nghệ Quân đội), anh sẽ gọi điện thoại trước cho. Tôi làm theo. Đến nơi anh Mậu vui vẻ ký nhanh cho tôi vì đã 11 giờ trưa.

Trên đường về tôi rẽ vào nhà anh Trúc Thông lần nữa, may sao cũng vừa lúc anh chạm xe vào ngõ. Anh Thông cũng vui vẻ và nhanh chóng ký cho tôi để còn kịp về nộp.

Tôi gặp lại anh Lê đã 12 giờ trưa. Một cái may nữa cho tôi là lúc ấy trong túi tôi có một tờ Sơ yếu lý lịch đã được chính quyền địa phương chứng thực trước đó bốn tháng, lúc tôi định làm thủ tục xin vào Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, nhưng chần chừ mãi chưa nộp vì thấy mình viết về đề tài dân tộc và miền núi còn ít, còn nông, chưa xứng đáng lắm. Thế là hai phần quan trọng nhất của thủ tục đã đủ, anh Lê nhận xong còn bao tôi bữa cơm trưa hôm đó.

Chia tay anh Lê, tôi lên Tam Đảo  dự trại và về luôn nhà. Tháng 12 năm ấy đọc báo thấy có tên tôi trong danh sách hội viên mới kết nạp của Hội Nhà văn.

Tôi kể dông dài một tí về việc riêng của mình để liên tưởng tới cụm từ “mùa kết nạp hội viên” mà sau đó tôi thường xuyên được nghe nhắc đi lặp lại mỗi dịp cuối năm. Rõ ràng việc Hội Nhà văn kết nạp tôi là rất đơn giản và nhanh chóng! Thế mà sao cũng có nhiều trường hợp nghe ra phải… “bở hơi tai” mới vào được một Hội nào đó?!

Trên đường rong chơi từ Nam chí Bắc, trong những lần tiếp xúc, gặp gỡ, giao lưu với anh chị em văn nghệ khắp nơi, tôi thường nghe kể nhiều trường hợp vào hội cực kỳ… ấn tượng! Ví như ở một tỉnh miền Đông Nam bộ nọ, năm này thấy có một người vào hội chuyên ngành trung ương, những người khác xầm xì rằng thằng này giỏi “chạy” chứ tầm nó làm gì hơn ai!

Thế là năm sau người khác cũng bằng cách nào đó phải vào cho được, quyết không để thua “thằng ấy”. Thế rồi năm sau nữa lại một người khác nhân “mùa kết nạp hội viên” lấy cớ việc nhà tuốt ra Hà Nội từ rất sớm quyết “quậy” bằng xong cái danh vị ấy để cho hai “thằng kia”, để chúng mày đừng có giỏi huênh hoang!

Ở một tỉnh vùng Đông Bắc, tôi lại nghe có người nhờ một tác giả nổi tiếng có quen biết nhiều ở Hà Nội, nhân “mùa kết nạp hội viên” bảo nếu lên Hà Nội lo giùm được thì cần bao nhiêu để chi cho việc thù tiếp, đãi đằng cũng sẽ sẵn sàng.

Tôi lại biết ở một tỉnh khu vực Tây Nguyên có một vị mua tặng hàng chục cái máy điện thoại di động cho những người quen biết để nhờ tác động với Hội đồng xét duyệt và Ban chấp hành.

Một người trong số nhận máy điện thoại, trong một bữa rượu say với chúng tôi đã dũng cảm “tự thú trước bình mình” rằng mình là một người được nhờ tác động. Và có một người trong hội đồng xét duyệt khi gặp tôi, như không thoát được nỗi day dứt, ân hận vì không từ chối nổi cái áp lực xin xỏ, nhờ vả đó đã nói: - “Dẫu sao thì anh cũng có một phiếu trong việc kết nạp ấy!”. Lúc này, nhìn vị hội đồng khả kính nọ  mà tôi thấy thương cảm quá. Thương cảm vị này bao nhiêu tôi càng ít coi trọng vị nhờ vả kia bấy nhiêu.

Sở dĩ phải đặt lại vấn đề ấy cho bài viết này đúng vào mùa kết nạp hội viên năm nay vì nhớ lại một “nhà thơ” hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mà khi được kết nạp đã gây ra xôn xao dư luận, kể cả trên báo chí. “Nhà thơ” này đã in trên 10 tập thơ bằng cách thức bỏ tiền túi xin giấy phép của một nhà xuất bản nào đó rồi tự lo liệu.

Sách đã được in và phát hành ra nhiều rồi, bạn đọc sẽ dễ dàng tìm đọc, nên ở đây người viết xin không nêu tên tuổi cụ thể. Điều đáng nói về cách làm sách của vị này là ở tập in sau thường in lại một chùm bài ở các tập đã in trước.

Thậm chí có tập toàn bộ là tuyển lại bài ở các tập trước mà đặt tên gọi mới cho cuốn sách hẳn hoi như là một tác phẩm được viết mới hoàn toàn, tuyệt nhiên không ghi là “thơ tuyển” hay là “tuyển tập” gì cả! Cứ cách này thì danh mục đầu sách của ông ta sẽ còn kéo dài dằng dặc nữa.

Việc in sách là thế, còn thơ trong các tập sách ấy thế nào? Tôi xin miễn trích ra để khỏi làm mất thì giờ của bạn đọc. Chỉ xin nói thêm, khi “nhà thơ” nọ được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam thì trên báo LĐ liền có bài viết rất chua chát mà tôi còn nhớ gần như nguyên văn đoạn kết : “Lâu nay tôi vẫn nghĩ Hội Nhà văn Việt Nam là cõi chữ nghĩa linh thiêng khó ai vào  được. Nhưng qua tập thơ của tác giả này tôi lại thấy té ra chỉ cần ngần ấy chữ nghĩa, một chút tình... thì ai cũng vào cái cõi thiêng ấy cả!”.

Tôi viết bài này nhân có mặt ở Hà Nội, cũng đang đúng vào mùa xôn xao việc kết nạp của các hội. Mong rằng mùa kết nạp hội viên năm nay và những năm về sau nữa sẽ không còn cảnh để lọt lưới những hội viên kém chất lượng sáng tạo như thế, để Hà Nội mãi mãi chỉ có bốn mùa tươi đẹp như quy luật tự nhiên vốn có của nó xưa giờ.

11/2007

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.