Thông thường một cây cầu bộ hành sẽ chỉ có 2 lối đi lên hoặc xuống, tuy nhiên trên đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), cây cầu bộ hành có tới 3 lối đi lên hoặc xuống nằm ở hai phía đầu của cây cầu và lối thứ 3 nằm ở dải phân giữa đường khiến nhiều người dân thắc mắc về thiết kế, hoạt động của nó. |
Cây cầu thuộc dự án Đường đua F1, xây dựng theo kiểu lắp ghép bằng thép, được khởi công từ năm 2019. Cây cầu này có nhiều điểm khác lạ với cầu thang lên xuống có điểm xuống đi thẳng xuống bãi cỏ phía trước một bụi tre nằm ở dải phân cách giữa đường. |
Lối đi lên xuống của cầu bộ hành được coi là "độc nhất vô nhị" tại Thủ đô. |
"Dù nhiều lần đi qua đây nhưng tôi không thấy có ai đi lên, xuống lối đi có thiết kế kỳ lạ này. Nhiều lần đến sân vận động Mỹ Đình nhưng vì vị trí không phù hợp nên tôi chưa đi qua cây cầu này bao giờ vì xa quá. Xây dựng như vậy có phần dư thừa, tốn kém trong khi không đem lại được lợi ích cho người tham gia giao thông", anh Bạch Hải Đạt (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ. |
Nhiều người dân cho rằng, cây cầu bộ hành có lối lên xuống đâm thẳng vào bồn cây hoặc dải phân cách là một trong những sản phẩm quy hoạch không đồng bộ, không đem lại lợi ích. |
Lối lên xuống ở giữa cầu gây khó hiểu. |
Cây cầu vượt bắc ngang đường Lê Quang Đạo được thiết kế với những khung thép chắc chắn. |
Cây cầu trơ trọi khung sắt, không có thêm bất kì hạng mục nào (như mái che) được lắp thêm trong suốt nhiều năm qua. Hiện cây cầu đã có nhiều điểm xuống cấp sau thời gian đi vào sử dụng chưa hiệu quả. |
Thêm nữa, cây cầu này được lắp đặt ở nơi dân cư thưa thớt, tỷ lệ người đi bộ lên xuống, qua lại cầu khá ít. |
Gầm cầu đã sớm trở thành khu vực dừng đỗ xe, bán hàng rong của nhiều người dân trong khu vực. |
Hiện, cây cầu rất nhếch nhác, rác thải, không có dấu hiệu công nhân môi trường quét dọn hàng ngày. Vật dụng đựng đồ ăn được những người đi hóng mát vào ban đêm xả xung quanh. |
Hiện nay, Hà Nội có khoảng 70 cây cầu vượt bộ hành cùng 23 hầm đi bộ tại các nút giao thông đông đúc, khu vực gần bệnh viện, trường học, bến xe nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người đi bộ, giảm ùn tắc, tai nạn. |
Tuy nhiên, không phải công trình nào cũng hiệu quả, thậm chí gây lãng phí. |