Tại phiên chất vấn của HĐND được tổ chức chiều ngày 7/12, đại biểu Trần Khánh Hưng (tổ ĐB huyện Ba Vì) đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trách nhiệm trong việc để phần lớn các dự án đã được giao chủ đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư chậm triển khai? Giải pháp, kế hoạch của Sở để giải quyết dứt điểm tình trạng trên?
Về vấn đề này, ông Lê Anh Quân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, theo quy hoạch, thành phố có 1.620 bãi đỗ xe, trong đó 73 bãi đỗ xe ngầm. Trong thời gian qua, thành phố đã triển khai 96 bãi đỗ xe, hiện đang xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư 52 bãi đỗ xe.
Qua rà soát, sở đã trình thành phố chấm dứt 5 dự án, thời gian tới sẽ chấm dứt thêm 2 dự án. Sở đã tiến hành rà soát và chấm dứt một số bãi đỗ xe như bãi đỗ xe Gia Thụy trên địa bàn quận Long Biên. Ngoài ra, có 6 dự án vừa qua đã trình phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện còn 37 dự án đang có vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chỉ định thầu, trước liên quan đến phần đất công, nay theo quy định của Luật Tài sản công đang có vướng mắc.
Về nguyên nhân các bãi xe chậm triển khai, ông Quân cho rằng hầu hết các dự án chậm tiến độ đều liên quan giải phóng mặt bằng. Hơn nữa, đầu tư vào bãi xe không hấp dẫn đối với nhà đầu tư, vì chưa rõ quan điểm coi đây là công trình thương mại dịch vụ hay là một bộ phận kết cấu của hạ tầng giao thông.
Bãi đỗ xe ngầm là giải pháp cho tương lai, nhưng hiện khó thu hút nhà đầu tư |
Quá trình khai thác bãi đỗ xe ở khu vực trung tâm khu dân cư có tính hấp dẫn cao, tuy nhiên những bãi đỗ xe quy hoạch xa dân cư, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ thì không hấp dẫn. Nhà đầu tư đầu tư xong thì không lấp đầy được. Mặt khác, giá trông giữ xe bị khống chế trong khi giá thuê đất cao, đặc biệt bãi đỗ xe ngầm đầu tư lớn...
Ông Quân cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu thành phố báo cáo Bộ GTVT để làm rõ một số nội dung theo luật chuyên ngành nhằm thống nhất trong phê duyệt chủ trương, giao đất, tính tiền sử dụng đất với bãi đỗ xe.
Nói rõ hơn về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, cho biết dự án đầu tư xây dựng giao thông có giao thông động và tĩnh. Tại Hà Nội, quy hoạch bãi đỗ xe đã được thể hiện tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được Trung ương và thành phố phê duyệt.
Theo ông Tuấn, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt từ 20%-26%. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ này mới đạt khoảng trên 12,1%. Quy hoạch mục tiêu diện tích đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3%-4%, nhưng tỷ lệ này hiện chưa đến 1%. Trong khi đó, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông trung bình là 5%, riêng ô tô là một con số lớn, khiến hạ tầng giao thông thiếu trầm trọng.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu trả lời câu hỏi của đại biểu |
Về phát triển không gian giao thông tĩnh, giao thông ngầm, ông Tuấn cho biết theo quy hoạch bãi xe, bến xe, trạm dừng nghỉ Hà Nội có 1.620 điểm giao thông tĩnh, 96 điểm nổi, 73 điểm ngầm. Tuy nhiên, đến nay chưa có dự án giao thông ngầm nào được triển khai. Nguyên nhân là do đất đai, giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách. Trong đó, chi phí đầu tư bãi xe ngầm rất cao, gấp 3 lần so với đầu tư bãi xe nổi nên không thu hút được nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Xuân Lưu, Giám đốc Sở Tài chính nhấn mạnh, muốn kêu gọi đầu tư phải có cơ chế. Giá trông giữ xe thành phố ban hành năm 2017 và năm 2019 tại nghị quyết của HĐND có một số chính sách về tiền thuê đất. Sở Tài chính đề xuất ngoài chính sách về đất, UBND thành phố có chính sách hỗ trợ thêm để kêu gọi đầu tư. Ví dụ như hỗ trợ về lãi suất, nhất là kêu gọi đầu tư bãi đỗ xe ngầm. Ngoài ra, một số khu vực công cộng như công viên có thể đầu tư ngân sách phát triển bãi đỗ xe ngầm.
Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cũng cho biết, thời gian tới UBND thành phố sẽ báo cáo HĐND thành phố để xem xét, sửa đổi Nghị quyết 07. Dự kiến, quý 2/2024 UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố sửa đổi nghị quyết.