Hạ lãi suất, Ngân hàng có thiệt?

TP - Hôm qua 29/10, 4 ngân hàng thương mại Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV đồng loạt tuyên bố hạ lãi suất. Động thái này ngoài hưởng ứng lời “hiệu triệu” của Ngân hàng Nhà nước còn đồng thời cho thấy cung - cầu vốn đang thực sự chênh lệch lớn khi mà hệ thống thì dư thừa tiền mặt còn doanh nghiệp lại đau ốm liên miên khó lòng hấp thụ.
Hạ lãi suất, Ngân hàng có thiệt? ảnh 1

Hạ LS để DN có cơ hội tiếp cận vốn vay hơn. Ảnh: Như Ý

Thừa tiền 


Tính đến ngày 24/10/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,85%, huy động vốn tăng 11,88% so với cuối năm 2013; trong đó huy động vốn VND tăng 13,17%. Báo cáo của NHNN cũng chỉ rõ: thanh khoản của các TCTD được đảm bảo và dư thừa, hoạt động của các TCTD ổn định, thị trường liên ngân hàng thông suốt, lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng giảm và ổn định ở mức thấp.

So sánh đầu vào tăng huy động vốn tăng 11,88% với mức tăng trưởng tín dụng tính đến cùng ngày 24/10 của toàn hệ thống tăng 7,85% so với cuối 2013, (cao hơn so với cùng kỳ), thấy ngay sự chênh lệch khá lớn của dòng chảy vốn vào – vốn ra tại hệ thống ngân hàng. Phân tích của các chuyên gia cũng chỉ rõ: ứ thừa tiền mặt trong toàn hệ thống đang khiến chính các NHTM buộc phải loay hoay giải bài toán tiêu tiền. Nếu không hạ lãi vay, và lãi đầu vào, thì ngân hàng sẽ rất eo hẹp thắt lưng buộc bụng. 

Theo đó, tại buổi họp báo định kỳ ngày 28/10, NHNN cho hay quyết định điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND của các tổ chức, cá nhân tại các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế từ mức 8%/năm xuống còn 7%/năm; giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ mức 1%/năm xuống 0,75%/năm.

“Với mặt bằng mới, lãi suất cho vay sẽ không còn là rào cản lớn đối với các DN nữa và chắc chắn DN sẽ dễ thở hơn khi tiết giảm thêm được chi phí và tăng điều kiện tiếp cận vốn”- TS Cao Sỹ Kiêm khẳng định. 

Hi sinh ít thôi

Hiện trên thị trường tính chung, chênh lệch lãi suất huy động với cho vay từ 4-4,5%, đây là một “dư địa” khá cao và như vậy ngân hàng vẫn hưởng phần chênh lớn? Đại diện Vetinbank chia sẻ: Với phần huy động tiền gửi, khi huy động được 10 thì không thể sử dụng được hết để cho vay mà còn để dành dự trữ, trích lập rủi ro, chi phí hoạt động… Hiện chúng tôi chênh lệch chỉ 2-2,5%, và xu hướng chênh đang ngày càng giảm.

“Chênh lệch huy động và cho vay ở mức hợp lý là 3%; Hiện biên lợi nhuận của NH thấp nhưng NH hạ lãi suất xuống thì vẫn có lãi” .

Ông Hiếu nói

Về lợi nhuận NH có sụt giảm sau lần điều chỉnh lãi suất này, Phó tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Danh Lương cho biết: Tính đến nay, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đạt gần 10%, dự kiến cả năm sẽ đạt khoảng 16%. “Các khoản vay cho lĩnh vực ưu tiên chúng tôi sẽ thực hiện đúng định hướng lãi suất cho vay dưới 8% đối với kỳ hạn ngắn và 10% đối với trung và dài hạn”. 

Vị đại diện Vietcombank cũng khẳng định với tư cách là một trong những trụ cột của hệ thống, ngân hàng chắc chắn sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch lợi nhuận của năm 2014 để đảm bảo hài hòa giữa hoạt động của ngân hàng với việc hỗ trợ DN.

Phân tích với Tiền Phong, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lập tức chỉ ra có hay không tác động hạ LS với lợi nhuận NH. “Lời hay lỗ phụ thuộc vào cơ cấu tài sản nợ và có của NH. Với những NH có nguồn vốn huy động ngắn hạn lớn, cho vay trung và dài hạn nhiều, chắc chắn các đối tượng này sẽ hưởng lợi và khi đó, lợi nhuận ngân hàng sẽ gần như không bị ảnh hưởng. Còn với những NH nguồn huy động ngắn hạn thấp, cho vay trung dài hạn lại lớn thì lợi nhuận sẽ giảm mạnh. Nhưng rất may đã rơi vào thời điểm cuối năm cho nên cũng không nhiều ảnh hưởng” - Ông Hiếu phân tích. 

Chênh lệch LS vào - ra thời điểm này bao nhiêu là hợp lý? Theo ông Hiếu, nếu NH vẫn giữ được biên lợi nhuận không đổi thì lợi nhuận vẫn giữ nguyên.

MỚI - NÓNG