Gương mặt văn nghệ trong văn chương Trần Nhật Minh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trần Nhật Minh viết tản văn, đúng như cốt cách bộc trực thẳng thắn vốn có. Tức là khi đọc anh, người ta thấy anh ở đó. Văn của Minh, đúng là con người Minh vậy. Nó đi thẳng vào lòng người. Nói thế, là bởi có những thứ văn khác với người, khác xa lắm. Mà thời buổi này, thứ văn ấy, loại người ấy cũng nhiều…
Gương mặt văn nghệ trong văn chương Trần Nhật Minh ảnh 1
Nhà văn Trần Nhật Minh

Tùy bút tản văn không phải là thể loại dễ viết, như nhiều người thường nghĩ. Tý bồi hồi, nhớ nhung, tý cảnh xưa người cũ, tý góp nhặt dông dài rồi chêm vào vài ngẫm ngợi, trích dẫn vài ý của người nổi tiếng, thế là thành một bài tùy bút tản văn? Thể loại này lại dễ đăng báo, vì viết ngắn cũng thành. Thế là, nhiều người lao vào, mà chưa hiểu được cái khó cái hóc hiểm của thể loại. Chính vì cái “tùy” cái “tản” nó cho phép lan man, nên để “định” là không hề dễ. Mặt khác, đây mới là cái cốt tử: thể loại này bộc lộ mạnh tâm tư của người viết. Dù anh có dùng ngôi thứ nhất hay không, cái tôi của anh vẫn lồ lộ ở đó. Rõ ràng là cái anh đã thấy, đã ngẫm; là cái cảm, cái tình của anh; là quan điểm, nhận định của anh; là cái anh yêu, anh ghét, cái anh thương anh giận, cái anh tôn vinh hay khinh khi. Vậy nên, anh buộc phải bỏ đi cái “mặt nạ”, mà khi “sáng tác” anh có thể dùng cái gọi là “hư cấu” để né. Đấy, cái khó nó nằm chỗ ấy!

Cuốn Những cuộc trà trên căn gác cũ (NXB Hội Nhà văn - 2024) của Minh có 52 bài. Có thể tạm chia ra mấy chủ đề: Những ký ức về gia đình, người thân, về Hà Nội; Những gương mặt văn nghệ, mà họ là bạn bè thân quen, là người làm việc cùng ở Ban Văn nghệ - Đài Tiếng nói Việt Nam; Những chủ đề khác về văn hóa-xã hội, con người, vùng đất mà anh đã từng trải nghiệm. Đây là tôi tạm hình dung thế, chứ trong sách Minh không chia thành các phần.

Đã nhiều người nhắc đến tố chất Hà Nội, ký ức và tình yêu Hà Nội, giọng văn tinh tế kiểu người Tràng An của Trần Nhật Minh. Ở đây, tôi sẽ không nhắc đến điều này nữa. Tôi muốn đi sâu vào mảng tạm gọi là “Những gương mặt văn nghệ” của Minh. Phần mà anh tâm đắc và cũng là một bước mới so với tập trước đây Miền sau cánh cửa.

Xin trích một vài đoạn ký ức của anh:

“Trúc Thông yêu thơ đến cực đoan. Mỗi lần gặp tôi, ông đều khuyên cái điều mà tôi chả bao giờ dám nghĩ tới: “Làm thơ đi, thơ mới là tất cả”. Ông còn mang chất thơ, niềm yêu thơ vào các chương trình phát thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Hai chương trình ông gác cửa: Tiếng thơ và Nói chuyện thơ của Ban Văn nghệ đầy ắp chất thơ từ cuộc sống, nó đưa lại cho thính giả những suy ngẫm về nghệ thuật thơ, vừa tươi non vừa sâu sắc”. (Ngọn gió thơ Trúc Thông – trang 151).

“Cầm ít cáu nhưng khi nào đuôi mắt khẽ rần rật là biết ngay anh đang khó chịu. Đôi mắt đó thường giúp Cầm “đọc” trước mọi việc để cho não bộ hoạt động mà điều khiển lời nói. Cầm là người hoạt ngôn. Anh nói một việc đã cũ mèm nhưng vẫn thấy thú vì ngôn ngữ có sự độc đáo và hài hước”. (Màu Cầm – trang 72)

“Một cảm giác hơi chờn bởi cái dáng vóc xù xì, tóc cờm, áo vải thô túi “băng đạn”, đặc biệt đôi guốc mộc nghe nói xuân hạ thu đông đều dính chặt đôi chân anh đã trở thành thương hiệu, rồi giọng nói nữa, thật gằn như muốn ném cái khí khái đến thẳng căng, tưng tửng vào bàn rượu. “À hóa ra mày là con bố….., tao suýt làm con rể bố mày đấy”. Là ngang tàng vậy thôi chứ ân cần lắm, chiều chuộng đàn em lắm”. (Quang “guốc mộc” trong nỗi nhớ bạn bè – trang 83).

Ấy là vài chi tiết về những văn nghệ sĩ có tiếng, những Trúc Thông, Hoàng Nhuận Cầm, Lê Huy Quang… Vài chi tiết thôi nhưng qua chắt lọc của Trần Nhật Minh, nhân vật đã hiện ra với đầy đủ khí chất, tính cách.

Gương mặt văn nghệ trong văn chương Trần Nhật Minh ảnh 2

Và còn nhiều, nhiều nữa, những Tô Hoài, Phú Quang, Lê Đình Cánh, Trương Hữu Lợi, Phạm Viết Hồng Lam, Đào Hải Phong, Trần Thắng, Chu Hồng Tiến, Nguyễn Tiến Thanh, Phùng Gia Thế, Nguyễn Quang Hưng, Xuân Quang, Lâm Huy Nhuận, Trần Nhật Dương, Lý Thái Phương, Đỗ Anh Vũ… Với ai, Trần Nhật Minh cũng có những nhận xét sắc sảo, cô đọng về tác phẩm và về con người, dù đó là văn/thi hay nhạc/họa sĩ. Chứng tỏ người viết có một kiến văn đủ dùng trong trường văn trận bút khắc nghiệt. Sắc sảo nhưng ân tình. Có thế thấy Minh là người đa cảm, lý lẽ, lập luận đâu vào đấy, nhưng sau cùng, giữa những con chữ là cái tình cái nghĩa, cái đắp đổi dành cho nhau. Có lẽ vì sinh ra trong một gia đình nhiều văn nghệ sĩ, lại làm việc trong môi trường thuần khiết văn học – nghệ thuật, nên anh sớm thấu hiểu cái hay lẫn cái dở, cái vinh và cả cái nhục của cái nghề đặc biệt, cái nghiệp “nặng chứ không hề nhẹ” này.

* * *

Viết về cuốn sách mới của Trần Nhật Minh - tập tùy bút tản văn Những cuộc trà trên căn gác cũ nhưng sao tôi cứ nghĩ về thơ của Minh nhỉ? Mà sách của Minh, ngay từ cái tên, nó đã như tên bài thơ? Văn của Minh nên đọc nhẩn nha. Vì có hàm lượng chữ. Văn của Minh có nhịp điệu, gần với thơ. Có lần khi tôi “thắc mắc”, anh giãi bày, rằng ấy là cái lối viết để cho “nhà đài” đọc lên. Tôi chợt hiểu, thì do nghề nghiệp, ấy là cái lối viết “vào tai” vậy! Cứ xin nôm na thế.

Đây, một đoạn Trần Nhật Minh viết khi hồi tưởng lại những đêm thơ sinh viên Đại học Tổng hợp:

“Những đêm dài thơ thắp lửa, tựa vào thơ trong những chênh vênh, vĩ cuồng gió mây, chất ngất men say và những mối tình câm lặng. Đời sinh viên nghèo trong nỗi buồn cư xá, ngày nắng thênh thang và đêm gió tơi bời, thơ sưởi ấm qua những mùa gieo neo…” (Tài hoa đi giữa miền phiêu lãng – trang 108).

Trong văn của Minh, là cảm xúc của ưu tư, ưu tư thời cuộc, ưu tư văn nghệ, ưu tư với người sáng tạo. Nhưng không phải thứ ưu tư thiên về phân tích, tổng hợp, trích dẫn; mà là thứ suy nghiệm thấm cái cảm, cái tình của tác giả. Từ cái yêu, thương, nhớ… Trần Nhật Minh viết. Có những đoạn, như rút ruột ra để viết.

Thế thì, đấy chính là lối viết của người làm thơ!

Và chính vì lý do đó, tôi nghĩ tôi “có quyền” nói về thơ của Minh, trong lúc nói về văn của anh. Âu cũng là cách để bạn đọc hình dung rõ hơn về một con người sáng tạo.

NGÀY MỚI

Bỏ lại những ngày vừa cũ

chạm vào ngày mới tinh khôi

trên chuyến xe cuối mùa vừa đủ

cho mình và một khung trời

Xe lướt qua trăm miền đất lạ

những con sông và những cánh đồng

mở lòng mình xanh non như lá

rồi tan hoà vào cõi mênh mông

Bỏ lại muộn phiền bụi khói

ánh mắt nhìn khô lạnh cứa lòng nhau

những hoài nghi mệt phờ ngàn câu hỏi

cả viển vông học thuyết cũ nhàu

Phải dứt ra nhập vào ngày mới

đứa trẻ trong tôi thức gọi mặt trời

manh áo mỏng gói tấm thân mệt mỏi

tôi hồi sinh trên những rã rời

Cũng vì bởi có ai đón đợi

nơi cuối đường mặc kệ gió mưa rơi

trên xác ngày tưởng chừng hấp hối

lại mầm non khẽ cựa búp chồi…

Bài thơ trên hé lộ con người sáng tạo Trần Nhật Minh. Giải mã vì sao anh viết, và vì sao anh viết như thế, với những bài tản văn tùy bút trong tập sách mới. Đó là những Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình, Xuôi dòng đờn ca tài tử, Tô Hoài và những số phận khuất chìm, Những góc trời không son phấn, Màu Cầm, Những vùng hiểm địa văn chương, Những “ô cửa” Nguyễn Quang Hưng, Ngọn gió thơ Trúc Thông, Thi sĩ của “Suối quên”, Nghệ sĩ của Phòng Bá âm, Tài hoa đi giữa miền phiêu lãng, Xuân Quang và “Địa chấn”, Người trong gương ấy còn đau hơn mình…

Đến đây tôi lại muốn dẫn một bài thơ của Trần Nhật Minh.

TIẾNG HÓT

Tôi xếp hàng

Chờ một phiếu thi đua

Đặt cược máu mình

Cho những bài sấp ngửa

Khi cuộc bàn tròn còn chưa ráo mực

nghe ngoài cửa sổ

Mấy chú chim líu lo

Rủ rê vào một cuộc hót mừng

Tôi xếp hàng

Chờ đến lượt mình

Để được hót những lời vay mượn

Rồi chờ mãi

gục xuống

Những dấu chân chồng lên nhau

Không khoan nhượng

Trong cơn mê

Chợt thấy vết chân mình đồng loã

Sực tỉnh

Tôi hót rõ to

Một lời câm tứa máu

Hai bài thơ trên đều đã được phổ biến. Và nhiều bài thơ của Trần Nhật Minh cũng đã được phổ nhạc.

Những cuộc trà trên căn gác cũ tiếp mạch văn của cuốn tản văn tùy bút trước Miền sau cánh cửa, định hình một văn phong Trần Nhật Minh: Chân thành và tinh tế; dường như không dụng công với hình thức thể loại mà cứ tự nhiên đi thẳng vào lòng người.

Thoáng mong, ngoài tùy bút tản văn và thơ, thời gian tới Trần Nhật Minh dành nhiều thời gian thử sức với những thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết.

Tháng 5/2024

MỚI - NÓNG