GS Ngô Bảo Châu khen ý tưởng này là “có vẻ gọn gàng, có vẻ có chút năng lượng. Người dân và chính quyền ít nhất cũng tỏ ra có cố gắng cho một đô thị ngăn nắp”.
Theo giáo sư Ngô Bảo Châu, bạn bè của ông thi nhau chê cách thiết kế biển hiệu trên phố Lê Trọng Tấn, nhưng cá nhân ông rất hoan nghênh cố gắng của chính quyền vì “Bước đầu trông nó sẽ hơi ngồ ngộ, quê quê. Nhưng ít ra nó cũng có vẻ gọn gàng, cũng có vẻ có chút năng lượng. Người dân và chính quyền ít nhất cũng tỏ ra có cố gắng cho một đô thị ngăn nắp”.
Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ thêm, đi dọc phố phường Hà Nội, cả phố cũ và phố mới, chỉ thấy người người nhà nhà làm biển quảng cáo mỗi ngày một to hơn, biển mới đè lên biển cũ, biển cũ rách rồi cũng chẳng ai buồn tháo đi.
“Phố Huế yêu quý của tôi ngày một giống một phố quê, luộm thuộm mà con người ở đó chỉ còn biết chép miệng với một cuộc sống ngày một xập xệ”, giáo sư Ngô Bảo Châu viết trên trang cá nhân.
Theo giáo sư Ngô Bảo Châu, việc dễ nhất trong công cuộc chỉnh trang bộ mặt đô thị là quy định kích cỡ, gam màu, mẫu chữ cho biển báo cho từng khu phố buôn bán.
“Dường như chính quyền Hà Nội đã bắt đầu quan tâm đến việc này. Có muộn còn hơn là không làm. Tất nhiên có nhiều gam màu khác nhau, không nhất thiết cứ phải cơ bản như thế này”, Giáo sư Ngô Bảo Châu viết.
Trước đó ngày 7/5, UBND TP Hà Nội và Quân chủng Phòng không – Không quân (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức Lễ khánh thành và thông xe dự án mở rộng tuyến đường Lê Trọng Tấn (đoạn từ Tôn Thất Tùng đến sông Lừ).
Đây là một tuyến đường văn minh đô thị kiểu mẫu được Hà Nội chọn thí điểm để vừa xây dựng mới tuyến đường vừa kết hợp với chỉnh trang mặt tiền nhà ở và các cơ quan hai bên đường với mô hình nhà nước và nhân dân cùng làm.
Tuyến đường xây dựng đồng bộ với hệ thống vỉa hè được xây dựng bằng vật liệu có chất lượng, kỹ thuật, độ bền cao, có phần đường cho người khuyết tật; thiết bị chiếu sáng bằng đèn led, tiết kiệm điện năng, đường dây điện, cáp viễn thông được hạ ngầm trên toàn tuyến, hệ thống cây xanh được lựa chọn phù hợp với đô thị; đặc biệt trên tuyến đường, các nhà dân và cơ quan đều đã chỉnh trang mặt tiền theo quy chuẩn chung từ sơn đến biển quảng cáo. Tuy nhiên, khi tuyến đường này được khánh thành thì có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng màu sắc biển hiệu “dập khuôn”.
Ngày 12/5, trao đổi với Tiền Phong lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân cho biết, việc triển khai công tác chỉnh trang cải tạo bề mặt tuyến phố Lê Trọng Tấn đã được quận phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng hồ sơ thiết kế chỉnh trang mặt tiền các công trình theo đúng chỉ đạo của thành phố.
“Quận và các phường sở tại phối hợp với các sở ngành đã tổ chức phát phiếu thăm dò, hỏi ý kiến người dân về phương thức và cách làm. Về màu sơn quận cũng thống nhất với cơ quan chuyên môn về gam màu cơ bản, còn các biển hiệu hai bên đường, các biển hiệu cửa hàng cũng được thiết kế đồng mức về chiều cao, đồng chất liệu và thực hiện theo phương thức xã hội hóa với việc doanh nghiệp đã ủng hộ 1,7 tỷ đồng để làm 157 biển hiệu”, đại diện UBND quận Thanh Xuân cho biết.
Trước những ý kiến của dư luận về màu sắc quy định chưa phù hợp với một số thương hiệu lớn, lãnh đạo quận Thanh Xuân cho biết sẽ xin ý kiến thành phố để điều chỉnh cho phù hợp. Theo đó từ thực tế việc triển khai chỉnh trang tuyến đường Lê Trọng Tấn, quận và thành phố sẽ tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm tiếp thu ý kiến của người dân và dư luận để tiếp tục nhân rộng trên một số tuyến đường khác.