Chiều 12/5, UBND quận Thanh Xuân đã thông tin tới báo chí về công trình biển hiệu kiểu mẫu trên đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) gây tranh cãi những ngày qua.
Theo quận Thanh Xuân, ngày 23/2, UBND TP Hà Nội giao cho quận này triển khai công tác chỉnh trang bề mặt tuyến phố Lê Trọng Tấn. UBND quận Thanh Xuân đã phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội xây dựng hồ sơ thiết kế chỉnh trang mặt tiền các công trình.
"Công tác thực hiện chỉnh trang theo đúng chỉ đạo của TP Hà Nội. Công trình hoàn thành đảm bảo chất lượng và tiến độ, để đúng là công trình thí điểm kiểu mẫu của Thủ đô. Một con đường đẹp về cảnh quan, đẹp trong cách làm mô hình mới, phương thức quản lí mới, đẹp trong sự đồng thuận của nhân dân", văn bản quận Thanh Xuân khẳng định.
Trao đổi với báo chí, bà Phạm Thị Hương, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin (quận Thanh Xuân), cho hay trên cơ sở thiết kế, cơ quan chức năng đã tổ chức họp, phát phiếu thăm dò, lấy ý kiến người dân về phương thức và cách làm. Tổng số hộ dân liên quan trên tuyến đường Lê Trọng Tấn là 151 hộ và 8 cơ quan tổ chức.
"Số hộ gia đình và tổ chức đã thống nhất là chủ trương là 153, còn lại 6 hộ không cư trú tại Hà Nội nhưng sau cuộc họp đã gửi phiếu thống nhất ý kiến. Quận có đầy đủ hồ sơ biên bản cuộc họp và phiếu lấy ý kiến của dân", bà Hương nói.
Đại diện quận Thanh Xuân cho biết thêm, chính quyền quận này đã vận động các hộ dân sống 2 bên tuyến phố cùng tham gia chỉnh trang đô thị như: tháo dỡ mái che, mái vẩy, biển hiệu quảng cáo được lắp đặt tự phát, không đồng bộ về kích thước và kiểu dáng.
Nói về màu sơn trang trí biển hiệu gây tranh cãi, bà Hương cho rằng quận Thanh Xuân thống nhất với Sở Quy hoạch - Kiến trúc màu cơ bản là xanh và đỏ, được người dân đồng tình. Các biển hiệu hai bên đường, cửa hàng được thiết kế đồng mức về chiều cao, đồng cấp, đồng chất liệu và thực hiện theo phương thức xã hội hóa.
Theo bà Hương, nhiều người đang hiểu nhầm giữa biển hiệu và quảng cáo. Hệ thống công trình mà người dân phản ánh màu sắc là biển hiệu chứ không phải quảng cáo (theo Điều 34 Luật Quảng cáo).
Hệ thống này được lắp đặt theo thiết kế đồng bộ, chiều cao biển hiệu là 1,1 m, chiều rộng tối đa bằng chiều rộng công trình, vị trí mép dưới biển hiệu là 3-3,2 m. Màu sắc được thiết kế 2 gam màu cơ bản là nền xanh hoặc đỏ, chữ màu trắng. Ngày 28/4, quận Thanh Xuân đã cho lắp 5 biển hiệu mẫu để người dân góp ý và nhận được sự đồng thuận nên đã tiến hành thực hiện toàn tuyến.
Ngoài ra, quận Thanh Xuân cũng cho biết tuyến đường Lê Trọng Tấn còn thực hiện nhiều hạng mục chỉnh trang đồng bộ khác như: màu sơn nhà dân, cây xanh hai bên đường, đèn led chiếu sáng...
Đối với các tổ chức doanh nghiệp đã có logo quảng cáo và thương hiệu độc quyền được cơ quan thẩm quyền cấp phép, đang lắp đặt tại trụ sở đơn vị, quận Thanh Xuân tôn trọng nhưng đề nghị thực hiện chỉnh trang đảm bảo kích thước để tạo sự thống nhất, đồng bộ.
Chia sẻ với báo chí, bà Vương Thị Vân Khánh, Chánh Văn phòng UBND quận Thanh Xuân nói: "Đây là công trình do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, quận Thanh Xuân chỉ thực hiện trang trí. Công trình này là công trình kiểu mẫu đầu tiên do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo khi lên làm chủ tịch".
Bà Khánh cũng cho rằng màu sắc biển hiệu rất có ý nghĩa với Thủ đô. "Màu đỏ là màu cờ Tổ quốc, màu xanh là vì Hà Nội là TP vì hòa bình", bà Khánh thông tin.