“Thỏa thuận giữa Grab và Uber có thể tác động lớn lên ngành dịch vụ vận tải. Vì thế, Ủy ban Cạnh tranh Philippines (PCC) sẽ theo dõi sát việc này”, PCC cho biết trong thông báo hôm qua. Cơ quan này cho rằng thỏa thuận sẽ giúp Grab gần như độc quyền trên thị trường đi chung xe. Họ sẽ đánh giá liệu việc mua bán giữa hai bên có làm giảm cạnh tranh đáng kể hay không.
Đại diện của họ sẽ gặp cả Grab và Uber. Nếu PCC phát hiện có rủi ro giảm cạnh tranh, Uber và Grab có thể đề xuất giải pháp. Còn nếu hai công ty không tình nguyện đưa ra biện pháp, PCC có thể chặn hoạt động sáp nhập này.
Malaysia hôm qua cũng có cuộc gặp với Grab và cho biết sẽ giám sát xem có hành vi phản cạnh tranh nào hay không. “Chúng tôi sẽ không coi nhẹ việc này. Chúng tôi sẽ giám sát, vì mọi việc mới trong giai đoạn đầu và chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo”, Nancy Shukri – quan chức chính phủ Malaysia về quản lý giao thông công cộng cho biết.
Vị này cũng nhấn mạnh rằng nếu có bất kỳ hành vi phản cạnh tranh nào, Luật Cạnh tranh sẽ được thực thi.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, ông Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, sẽ không để Grab độc quyền. "Không loại trừ khả năng chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp tạm thời với Grab, Uber, song mọi phán quyết sẽ được đưa ra sau khi chúng tôi nhận được báo cáo về hợp đồng mua bán này. Tuy nhiên đến giờ Bộ vẫn chưa nhận được báo cáo trên", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói vào tối 2/4.
Cách đây vài ngày, Singapore cũng bắt đầu cuộc điều tra vụ mua bán giữa Uber và Grab với lo ngại tương tự. Hàng loạt động thái gần đây của các quốc gia Đông Nam Á có thể là rào cản lớn với nỗ lực cải thiện lợi nhuận của Uber thông qua việc rút khỏi các thị trường gây thua lỗ. Grab cũng chịu sẽ chịu ảnh hưởng khi cạnh tranh với đối thủ Go-Jek của Indonesia ngày càng khốc liệt.
Trong khi đó, tại Indonesia, cơ quan chống độc quyền nước này cho biết chưa thể nói sẽ điều tra hay không. Do họ sẽ có 30 ngày để đánh giá sau khi việc mua bán hoàn tất.
Uber và Grab công bố thỏa thuận cách đây một tuần, đánh dấu vụ rút lui thứ 2 của Uber khỏi thị trường châu Á. Trước đó, họ đã bán mảng kinh doanh tại Trung Quốc cho đối thủ - Didi Chuxing. Cuộc chiến giành thị phần đắt đỏ tại Đông Nam Á đã khiến Uber tiêu tốn 700 triệu USD. Giờ đây, họ muốn rời khu vực này để tập trung cho các thị trường khác, như Ấn Độ hay Nhật Bản.
Dù vậy, cuộc cạnh tranh tại Đông Nam Á được dự báo sắp bước sang giai đoạn mới. Straits Times hôm qua cho biết Go-Jek đã lên kế hoạch lấn sân sang Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.