Bài I: Công cụ giải trí hay ma túy số?
Game online ra đời với mục đích cung cấp kênh giải trí cho người dùng mạng. Nhưng những biến tướng của nó với nội dung cổ xúy bạo lực, đồi trụy khiến nhiều người thành con nghiện game, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân như trầm cảm, tự tử mà còn có hành vi gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Mất sự nghiệp vì nghiện game
Trong cuộc đời khám bệnh của mình, bác sĩ La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 gặp nhiều trường hợp đáng tiếc do nghiện game. Trường hợp bệnh nhân (BN) ở Gia Lâm, Hà Nội - người được ông điều trị nghiện game từ nhiều năm trước khiến ông nhớ mãi.
BN này học rất giỏi, từng nhận học bổng du học tại Singapore. Theo học được thời gian nhà trường trả về vì có nhiều biểu hiện bất thường. BN được đưa vào khám tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, các bác sĩ nhận định, tình trạng nghiện game nặng dẫn đến hành xử bất ổn, rất dễ bị kích động. Sau thời gian điều trị thành công, BN đi học trở lại, tốt nghiệp, có việc tại công ty ở nước ngoài. Tuy nhiên, BN sau đó tái nghiện game đến mức bị sa thải.
Cũng theo bác sĩ La Đức Cương, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp từng có thành tích học tập tốt, thông minh nhưng nghiện game quá nặng, dẫn đến những triệu chứng tâm thần bất ổn. Nhiều trường hợp trầm cảm, tự tử vì nghiện game.
Anh Nguyễn Thanh Hùng (ở Hà Nội), một người chơi game chia sẻ, game có nhiều loại, có những game mang tính trí tuệ cao, đòi hỏi người chơi phải suy nghĩ rất nhiều; có loại nhẹ nhàng, giải trí rất tốt.
Anh Hùng lý giải, khi chơi game bạo lực, người chơi được trải nghiệm cảm giác mạnh. Vì vậy, nhà phát hành không ngừng tạo ra các game bạo lực, chém giết nhằm thỏa mãn, kích thích cảm giác của người chơi. Bên cạnh đó, lợi ích kinh tế cũng khiến nhiều người chơi game, bởi khi lên một đẳng cấp mới, người chơi có thể kiếm được tiền từ việc bán vật phẩm trò chơi.
Game không xấu nhưng không dễ quản lý
Chuyên gia công nghệ thông tin Nguyễn Mạnh Hưng chia sẻ, nhìn ở góc độ tích cực, game là công cụ giải trí, thậm chí là bộ môn thể thao điện tử vì chơi game đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố như chiến thuật chơi, phản ứng của cơ thể (ngón tay, cánh tay điều khiển) cho đến độ ổn định tâm lý. Phần đông người chơi game là để giải trí.
Anh Hưng cho rằng, việc nghiện game phản ánh một trạng thái tâm lý không bình thường, hay xảy ra với đối tượng mới lớn, đang phát triển tâm sinh lý. Ở độ tuổi này trẻ ganh đua để đạt được thứ hạng cao trong game là một cách thể hiện bản thân. “Game phát hành trong nước được kiểm soát về nội dung vì được kiểm duyệt và dán nhãn. Tuy nhiên, rất nhiều game người dùng tải về được phát hành lậu trên các chợ ứng dụng như Google Play và App Store, khó kiểm soát”, anh Hưng cho biết.
Theo báo cáo của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), một số trò chơi điện tử phát hành xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam thông qua App Store và Google Play Store, có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. Trong đó nhiều game có yếu tố cờ bạc, đổi thưởng, bạo lực, hình ảnh hở hang, dung tục, vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam, thậm chí xuất hiện cả những game xuyên tạc và vi phạm lịch sử nước ta.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng đã đề xuất áp dụng các biện pháp kinh tế, kỹ thuật cứng rắn như không được kết nối thanh toán cho các game vi phạm pháp luật, game không phép đang phát hành trên AppStore và Google PlayStore. Trường hợp không chấm dứt được, sẽ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, chuyên gia công nghệ thông tin Nguyễn Mạnh Hưng cho rằng, nếu chỉ đổ lỗi cho nhà phát hành game là không đúng hoàn toàn. Nhiều game dán nhãn 18+, tức chỉ dành cho người trưởng thành nhưng nhiều trẻ em vẫn chơi. Điều này có phần lỗi của gia đình như sự thiếu quan tâm, chia sẻ của bố mẹ, không đồng hành cùng con.
(còn nữa)
Game online vẫn gây tranh cãi
Game online manh nha xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2003 cùng với sự phát triển của internet. Đến nay, tại Việt Nam, game online phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn là một lĩnh vực gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng đây là một ngành công nghiệp số, cần tạo cơ chế khuyến khích phát triển như nhiều quốc gia đã làm. Tuy nhiên, cũng có nhiều lo ngại xuất phát từ các bậc phụ huynh, người làm công tác giáo dục về tác động xấu của game online đến giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên.Ở góc độ khoa học, các chuyên gia đánh giá, game online gây nghiện bởi khi thắng não bộ tiết ra chất gây hưng phấn. Game tạo cảm giác khao khát chinh phục, thể hiện bản thân cũng như nhu cầu làm chủ bản thân. Ngoài ra, những xung đột tâm lý trong tuổi dậy thì cũng là nguyên nhân dẫn đến nghiện game như thích thể hiện cái tôi cá nhân nhưng không được gia đình ủng hộ, cảm giác cô đơn, bất mãn trong cuộc sống.