Tâm tư của nhiều tác giả
Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật (VHNT) năm 2022 diễn ra ngày 19/5/2023. Tuy nhiên, cho đến nay, 114 tác giả có hồ sơ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đề xuất chưa nhận được tiền thưởng.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ là tác giả đầu tiên lên tiếng chuyện chậm trễ chi trả tiền thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước về VHNT. Ông khẳng định, ở các mùa giải thưởng trước, chỉ trong vòng một tháng, văn nghệ sĩ đã nhận được tiền thưởng. Chưa có tiền lệ cho việc trao thưởng kéo dài hơn 4 tháng như lần này. "Nhiều anh em nghệ sĩ khi được xướng tên ở Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh đều ở độ tuổi rất cao, 70 tuổi, 90 tuổi. Các bậc lão thành chỉ đợi tiền thưởng để có thể chung vui với con cháu lúc tuổi già. Hơn thế nữa, đây không chỉ là câu chuyện tiền bạc, còn thể hiện tính trách nhiệm của các bộ ngành liên quan. Đây là sự trì trệ không đáng có”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ bày tỏ.
Nhiều tác giả nhận giải khi đã ở tuổi “xưa nay hiếm” |
Nhạc sĩ Đoàn Bổng nhận giải thưởng Nhà nước về VHNT trong đợt xét tặng năm 2022. Ông được vinh danh nhờ chùm ca khúc: Hát về Người, Hà Nội những kỷ niệm trong tôi, Dòng sông quê anh, dòng sông quê em. Nhạc sĩ nói rằng, cách đây không lâu, ông đã liên hệ với nhân viên ở văn phòng của Bộ VHTTDL để hỏi về tiền thưởng “Họ giải thích rằng Bộ Tài chính chưa chuyển tiền sang, họ cũng cố gắng đợi khi nào có sẽ gửi ngay”, ông nói. Ngay khi nhận giải thưởng, ông tự bỏ tiền ra để liên hoan với bạn bè. Nhiều người thân quen hỏi thăm về tiền thưởng khiến nhạc sĩ cũng không biết trả lời ra sao. Với số tiền lên tới cả trăm triệu đồng cho mỗi tác giả, việc chậm trễ chi trả tiền thưởng dễ khiến mọi người phiền lòng.
Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT được cấp bằng và tiền thưởng tương đương 270 lần mức lương cơ sở. Giải thưởng Nhà nước về VHNT được cấp bằng và tiền thưởng 170 lần mức lương cơ sở. Từ quy định trên, mức tiền thưởng nhận được khi đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này có 2 mức được áp dụng gồm: Từ ngày 1/1-30/6: mức thưởng 402,3 triệu đồng. Từ ngày 1/7, mức thưởng là 486 triệu đồng/ giải thưởng. Tiền thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT được bố trí trong kinh phí của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh/thành phố trực thuộc T.Ư theo quy định của pháp luật.
Đạo diễn Lê Hồng Chương chia sẻ, sau hơn 4 tháng từ khi được vinh danh vẫn chưa thấy thông tin nào về việc nhận thưởng. “Chúng tôi chờ đợi là chính đáng bởi ai cũng muốn nhận tiền thưởng sớm. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng việc trao tiền thưởng trễ còn đang gặp vướng mắc về cơ chế hoặc đang có sự thay đổi quy định”, đạo diễn Lê Hồng Chương chia sẻ với Tiền Phong. Ông chưa tìm hiểu lý do của việc chậm trễ này và “sẵn sàng chia sẻ” nếu những vướng mắc liên quan đến thủ tục, cơ chế. “Mọi người đều muốn vấn đề được giải quyết nhanh chóng. Tôi nghĩ không ai muốn chần chừ vấn đề này cả”, đạo diễn Lê Hồng Chương nói.
Khẩn trương gỡ vướng
Ghi nhận thực tế và phản ánh từ các văn nghệ sĩ và dư luận trong những ngày qua, Bộ VHTTDL tiếp tục khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính nhằm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo việc chi trả tiền thưởng nhanh nhất. Sáng 28/9, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trực tiếp báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về những nội dung này.
Trước đó, ngày 6/4, Bộ VHTTDL gửi công văn đề nghị Bộ Tài chính bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước để chi trả tiền cho 114 tác giả nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt 2022. Tuy nhiên, theo lý giải của Bộ Tài chính, hồ sơ gửi kèm danh sách tác giả nhận thưởng thuộc các Hội văn học nghệ thuật đặc thù như Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Điện ảnh, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam không có cá nhân, tập thể thuộc Bộ VHTTDL. Điều này chưa đảm bảo quy định trong Nghị định chi tiết một số điều về Luật thi đua, khen thưởng. Đây cũng là lý do gây nên sự chậm trễ trong công tác chi trả tiền thưởng.
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2022 được trao cho 128 tác giả, đồng tác giả |
Trong công văn gửi Chính phủ ngày 14/9, Bộ Tài chính nêu rõ, kinh phí chi tiền thưởng cho tập thể, cá nhân được bố trí trong dự toán của bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương được chi từ nguồn ngân sách Nhà nước của cấp mình, không có quy định giao dự toán cho Bộ VHTTDL để chi thưởng.
"Căn cứ Nghị định số 90/2014/NĐ-CP và Nghị định 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ, kinh phí chi trả tiền thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước được bố trí trong dự toán kinh phí của các bộ, cơ quan và địa phương có tập thể, cá nhân được khen thưởng", công văn của Bộ Tài chính nêu. Trong số 128 tác giả được vinh danh ngày 19/5, 114 người có hồ sơ do Bộ VHTTDL đề xuất, 14 tác giả còn lại do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư nơi có hồ sơ trình Hội đồng cấp Nhà nước chịu trách nhiệm chi tiền.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ VHTTDL bổ sung báo cáo danh sách tên cá nhân nhận thưởng kèm theo tên đơn vị, cơ quan tương ứng theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành (phân định rõ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương), gửi Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí theo quy định.
Ngày 27/9, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã ký Công văn gửi Bộ Tài chính danh sách cá nhân được nhận tiền thưởng kèm theo tên đơn vị, cơ quan và dự toán kinh phí bổ sung.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, xem xét và đề xuất việc bố trí kinh phí chi trả tiền thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 5/10/2023.
Tác giả lên tiếng kịp thời, đúng đắn
Sau khi nhận thông tin về công văn của Bộ VHTTDL, Bộ Tài chính, nhà văn Nguyễn Văn Thọ khẳng định, sự lên tiếng của ông và các đồng nghiệp là kịp thời, đúng đắn. “Nếu chúng tôi không phản ánh quyết liệt, e rằng việc trả thưởng sẽ dai dẳng, chậm trễ kéo dài”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói.
Ông cho biết, nhiều văn nghệ sĩ có chung tâm tư sốt ruột nhưng còn ngại lên tiếng, bởi tiền nong với những người làm nghệ thuật là vấn đề tế nhị. “Tôi đấu tranh theo đúng quy định để giành quyền lợi chính đáng, dù giá trị giải thưởng của tôi không quá nhiều. Tiền nong chỉ có giá trị nhất định, nhưng sự lên tiếng đúng lúc sẽ góp phần xóa bỏ lề lối làm việc chậm trễ”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói. Ông khẳng định mọi góp ý đối với cán bộ của Bộ VHTTDL đều xuất phát từ sự chân thành.