Tàu thép ước mơ thành hiện thực - Bài 1:

Gỡ nút thắt nguồn vốn ưu đãi

Tàu vỏ thép Sang Fish 01 của anh Sang lúc hạ thủy. ảnh: L.V.S
Tàu vỏ thép Sang Fish 01 của anh Sang lúc hạ thủy. ảnh: L.V.S
TP - Chủ trương đóng mới 3.000 tàu thép cùng gói kinh phí ưu đãi 10.000 tỷ đồng đang là cú hích mới, tạo bước đột phá cho ngư dân cả nước hiện thực ước mơ tàu thép vươn khơi. Tuy nhiên, để có hạm đội tàu thép, theo các chuyên gia, nhà quản lý, ngư dân... rất cần các chính sách đồng bộ.

Những ngày này, anh Trần Văn Mười (37 tuổi, phường Mân Thái, Sơn Trà, Đà Nẵng), chủ tàu ĐNa 90567, đôn đáo hoàn chỉnh mẫu thiết kế tàu vỏ thép tại Cty Ứng phó sự cố tràn dầu dịch vụ hàng hải Bảo Duy (gọi tắt Cty Bảo Duy, Sơn Trà, Đà Nẵng), lập dự án tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đóng mới tàu sắt đầu tiên Đà Nẵng.

Có vốn, có tàu thép

Cty Bảo Duy tiếp nhận 5 hồ sơ tham gia đóng mới tàu vỏ thép cho ngư dân trên địa bàn. Mẫu tàu thiết kế tàu anh Mười có chiều dài 27m, rộng 7,5m, cao 3,2m, tổng trọng tải trên dưới 200 tấn, với công suất lên đến 1.000CV, chuyên hành nghề chụp mực vươn khơi. Theo anh Mười, con tàu dự toán có tổng kinh phí khoảng trên dưới 10 tỷ đồng, với trang thiết bị ngư lưới cụ hiện đại vào loại bậc nhất. “Ngư dân thừa bản lĩnh, thừa khát vọng, nhưng cái chính họ thiếu vốn. Giờ nếu vay được tiền lãi suất thấp chắc chắn sẽ có thêm nhiều đội tàu thép trong tương lai gần”, anh Mười nói. 

Đang là chủ tàu câu mực 950CV ĐNa 90567, gần tháng nay, anh Mười nhờ bạn làm tài công để ở bờ, lo thủ tục. Năm 2011, con tàu ĐNa 90567 được hạ thủy tại Cty Bảo Duy thuộc loại khủng nhất của giới tàu câu mực xa khơi. “Thời hoàng kim” nghề câu mực Đà Nẵng có cả trăm chiếc, nhưng rớt rụng dần vì giá bấp bênh, giảm thê thảm. Những đội tàu câu mực chuyển nghề sang lưới vây, lưới cạn. Riêng, anh Mười cùng 2 ngư dân khác của Đà Nẵng kiên trì bám trụ với nghề này. Tàu ĐNa 90567 chuyên đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, có khi ròng rã 2-3 tháng trời.

Anh Trương Văn Hay (Thanh Khê, Đà Nẵng), chủ tàu kiêm thuyền trưởng ĐNa 90235 cho rằng: không phải bây giờ, câu chuyện tàu vỏ thép từng được ngư dân ấp ủ từ lâu. Vấn đề là thiếu vốn. Có tiền, sẽ có nhiều tàu thép. Anh Lê Văn Sang (30 tuổi, Hải Châu, Đà Nẵng) vừa kết hợp với ngư dân Quảng Ngãi hạ thủy tàu vỏ thép Sang Fish 01, chuẩn bị mở biển cho biết: dự kiến tháng 8 tới sẽ đóng mới thêm 1 tàu vỏ thép 800CV tại Đà Nẵng. “Nguồn vốn ưu đãi gỡ nút thắt quan trọng nhất cho ngư dân. Có vốn lớn, lãi suất thấp, anh em sẽ sắm sửa trang thiết bị, ngư cụ hiện đại, đánh bắt an toàn, ổn định, năng suất hơn. Tiềm năng biển rất dồi dào, nếu chọn đúng ngành nghề sở trường, đầu tư thích đáng, chắc chắn sẽ có lãi lớn”, anh Sang nói.

Khả thi

Trao đổi về chính sách vốn ưu đãi đóng tàu sắt, anh Mười nhấn mạnh: “rất khả thi”. Được vay vốn lên đến 90-95% tổng mức đầu tư con tàu (cả thân vỏ, ngư lưới cãi), lãi chỉ 1%, thời hạn 10 năm và 1 năm ân hạn. Tính ra mỗi năm, ngư dân phải trả cho nhà nước chừng trên dưới 1 tỷ đồng, tùy loại tàu. Anh Mười bảo: với nghề câu mực, trung bình mỗi năm 3 chuyến mực. Mỗi chuyến đạt trên dưới 40 tấn mực khô. Giá mực dù hạ nhanh những năm qua, từ 150.000 đồng/kg, hiện rớt xuống còn 55-65.000 đồng/1kg. Tuy nhiên, với sản lượng khai thác ổn định, con tàu ĐNa 90567 mỗi năm mang về cho chủ chừng 1,2-1,5 tỷ đồng lãi ròng. Với đà khai thác này, ngư dân đủ khả năng trả nợ gốc, trang trải chuyến biển. Tàu ĐNa 90567 đóng mới gần 5 tỷ đồng, anh Mười vay nóng lãi suất thị trường lên đến 22%. Mỗi tháng trả lãi hàng chục triệu đồng là áp lực lớn. Anh Mười quả quyết: trả lãi thế, chúng tôi còn trụ được, với mức 1% điều này càng thuận lợi, khích lệ ngư dân hơn. 

Gỡ nút thắt nguồn vốn ưu đãi ảnh 1 Theo anh Mười, với năng suất đánh bắt hiện nay, việc hoàn vốn đóng mới tàu vỏ thép “rất khả thi”. ảnh: Nguyễn Huy

Theo ông Trương Văn Thi (Xuân Hà, Thanh Khê), chủ tàu ĐNa 90328, không chỉ vay vốn đóng mới tàu, ngư dân còn có thể tiếp cận nguồn vốn lưu động theo từng chuyến biển. Phí tổn vươn khơi chừng 150-200 triệu đồng/ chuyến với nghề lưới vây khiến chủ tàu thường xuyên vay nóng các đầu nậu, sản phẩm về bị ép giá, lợi nhuận giảm. Với chủ trương này, ngư dân càng yên tâm đóng mới tàu vỏ thép hơn.  

Ông Trần Công Vinh, Tổng giám đốc Cty Bảo Duy cho rằng: Tàu sắt thiết kế theo từng ngành nghề, ngư trường để đảm bảo độ tương thích, hiệu quả, vừa đáp ứng quy phạm đăng kiểm, vừa phù hợp với kinh nghiệm, sở trường đánh bắt của ngư dân. Theo anh Sang, cũng giống như tàu gỗ truyền thống, chuyện làm ăn, khai thác trên biển của tàu vỏ thép, cũng không tránh khỏi quy luật may rủi, hên xui, lãi lỗ. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi cao nhất của đề án, hạn chế trường hợp thất thu, gây gánh nặng trả nợ nhà nước, khâu kiểm tra, rà soát những chủ tàu đủ kinh nghiệm, tiềm lực, kỹ năng để chấp thuận giải ngân vốn ưu đãi đóng mới tàu vỏ thép.

Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, dự thảo một số chính sách phát triển thủy sản các tàu trên 380CV trở lên được tham gia nguồn vốn ưu đãi lên đến 95% tổng mức đầu tư tàu, lãi suất 1-2%/năm. 

Chủ tàu cá được tiếp cận vay vốn lưu động tối đa 70% phí tổn chuyến biển hoặc giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần, với lãi suất 7%/năm. Cùng hàng loạt chính sách ưu đãi thuế, bảo hiểm: tàu cá trên 90CV được hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên; hỗ trợ 70-90% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu và ngư lưới cụ; 100% chi phí đào tạo hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép… Dự thảo đề xuất cơ chế xử lý rủi ro, trường hợp tàu cá thiệt hại sẽ được xử lý theo quy trình.

MỚI - NÓNG