Gỡ khó trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bộ Y tế đang khẩn trương sửa đổi một số văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.

Để không “thối thầu”, “trượt thầu”

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BYT bãi bỏ toàn bộ 5 văn bản quy phạm pháp luật liên quan một số nội dung như việc thử nghiệm lâm sàng trang thiết bị y tế, quy chế làm việc của bộ… Trong đó đáng chú ý, tại khoản 2 điều 2, thông tư này đã bãi bỏ “khoản 3 điều 8 của Thông tư số 14, ban hành năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế”.

Trước đó, khoản 3 điều 8 Thông tư số 14 quy định: “Khi lập dự toán giá gói thầu, cơ sở y tế phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng và không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó. Trường hợp giá cao hơn phải giải trình, thuyết minh cụ thể”...

Quy định này khiến bệnh viện nếu muốn mua thiết bị y tế thì buộc phải mua với giá thấp hơn hoặc bằng giá trúng thầu trong 12 tháng qua tại các cơ sở y tế khác.

Tuy nhiên, trong điều kiện tỉ giá, giá điện nước, nhân công, lương... tăng, yêu cầu này trở nên khó thực hiện, nhiều cơ sở y tế gặp khó khăn trong mua sắm thiết bị y tế. Dù bệnh viện có mời thầu thì cũng không doanh nghiệp nào đưa ra được mức giá bằng giá của năm trước, không ai tham gia thì không thực hiện được việc mua sắm.

“Quy định phải dựa vào các báo giá gần đây nhất trong 12 tháng trúng thầu. Thực tế, 12 tháng qua, thậm chí hơn 2 năm qua, vật tư, thiết bị y tế chủ yếu phục vụ chống dịch, hợp đồng trúng thầu trong 12 tháng qua là vô cùng khó khăn khiến các bệnh viện không thể tìm được hợp đồng trúng thầu”, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, từng chia sẻ với báo chí.

Về những bất cập trong quy định đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, nhiều lãnh đạo bệnh viện cho rằng quy định này không phù hợp với quy luật thị trường.

“Điều này là bất khả thi trong thực tế vì tình hình trượt giá hiện tại. Với những loại thuốc, trang thiết bị có chất lượng cao, các nhà sản xuất/phân phối sẽ không tham gia thầu nếu họ không có lợi nhuận hợp lí, dẫn đến “thối thầu” với nhiều mặt hàng, hoặc nếu có tham gia thầu, giá bỏ thầu cao hơn giá kế hoạch cũng sẽ bị chấm “trượt thầu”. Các mặt hàng kém chất lượng, có giá cả thấp có nguy cơ sẽ lấp vào khoảng trống này”, lãnh đạo một bệnh viện tuyến trung ương nói.

Mới đây tại Diễn đàn Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói rằng, với Thông tư 14/2020, hiện nay có 2 xu hướng, một là rà soát để hủy bỏ tổng thể, hai là sửa đổi ngay điều có nội dung giá trúng thầu phải thấp hơn giá của 12 tháng trước đó, “vì điều này không phù hợp với quy luật kinh tế thị trường”.

Theo thông tư này, việc xác định giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế thực hiện theo Luật Đấu thầu, Nghị định số 63 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và các văn bản hướng dẫn có liên quan về xây dựng giá gói thầu của các bộ ngành liên quan. Điều khoản này có hiệu lực từ ngày kí ban hành (6/12/2022).

Đối với gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu có giá gói thầu thực hiện theo quy định tại khoản 3 điều 8 Thông tư số 14/2020 trước ngày 6/12, cơ sở y tế tiếp tục thực hiện theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt hoặc thực hiện thủ tục để điều chỉnh giá gói thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu, Nghị định số 63 và các văn bản hướng dẫn có liên quan về xây dựng giá gói thầu của Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT.

Làm việc với Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ Tài chính nói rằng, nếu không sửa quy định về đấu thầu trang thiết bị y tế thì “bệnh viện sẽ không bao giờ mua được gì”.

Nhiều thuốc trúng thầu chưa có hàng

Kết quả giám sát 18 đơn vị trúng thầu gói thuốc tập trung quốc gia quý III/2022 cho thấy, có 24 mặt hàng của 8 đơn vị trúng thầu có số lượng tồn kho thấp, không đủ cung ứng theo dự trù hoặc chưa thể cung ứng cho các cơ sở y tế.

“Nguyên nhân là đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nên thời gian sản xuất, kiểm nghiệm chất lượng, vận chuyển và thông quan lâu hơn dự kiến. Thêm nữa, sau dịch COVID-19, nhiều cơ sở y tế có nhu cầu sử dụng thuốc tăng cao so với dự trù tiến độ ban đầu, nằm ngoài dự kiến của nhà thầu.

Tuy nhiên, sau khi đàm phán, các doanh nghiệp đều cam kết tất cả các mặt hàng thuốc trúng thầu sẽ về Việt Nam trong tháng 12/2022”, ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, nói.

Cũng ông Dũng cho biết, trong trường hợp nhà thầu không đảm bảo cung ứng thuốc gây ảnh hưởng đến điều trị, Trung tâm sẽ có văn bản đề nghị các cơ sở y tế xử lý theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên. Với trường hợp nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu, Trung tâm sẽ xử lí theo quy định.

Ông Dũng cho biết, trong tổng số 1.226 hoạt chất thuộc danh mục thuốc đấu thầu, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia chỉ thực hiện đấu thầu 32 hoạt chất, chiếm 6,7% tổng số sử dụng hằng năm tại các cơ sở y tế trên toàn quốc. Số còn lại do các đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương hoặc các cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu để bảo đảm thuốc điều trị cho người bệnh.

Lãnh đạo một bệnh viện ở Hà Nội cho biết, thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc điều trị đã dần được khắc phục. Bệnh nhân đi khám bệnh đã được nhận thuốc từ nguồn bảo hiểm y tế nhưng so với trước đây, nguồn thuốc vẫn chưa dồi dào.

MỚI - NÓNG