Giữa mùa dịch bệnh, xuất khẩu gạo vẫn tăng trưởng khả quan

TPO - Mặc dù kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản nói chung và các mặt hàng nông sản chính nói riêng trong 6 tháng đầu năm giảm, song với mặt hàng gạo vẫn tăng trưởng cả khối lượng lẫn giá trị, thậm chí có địa phương tăng mạnh.   

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, do ảnh hưởng dịch COVID-19, hoạt động xuất khẩu (XK) trong nửa đầu năm 2020 của địa phương không đạt được như mong muốn. Kim ngạch XK 6 tháng đầu năm đạt 1,23 tỷ USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ 2019.

Tuy nhiên, các DN đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và phát triển thêm nhiều thị trường mới. Nhờ vậy, hàng hóa XK sang nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA.

Đáng chú ý, một số mặt hàng XK chủ lực của tỉnh trong nửa đầu năm 2020 vẫn tăng trưởng khá. Điển hình là mặt hàng gạo, đã XK được 83.330 tấn, kim ngạch đạt 41,7 triệu USD (tăng 55,8% về lượng và 60,3% về trị giá so với cùng kỳ). Trong đó, Philippines là thị trường chiếm 50% tổng kim ngạch XK gạo của tỉnh, đây được xem là thị trường nhiều tiềm năng.

Giữa mùa dịch bệnh, xuất khẩu gạo vẫn tăng trưởng khả quan ảnh 1 Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: CK

Theo tìm hiểu của PV Tiền phong, giá lúa ở các tỉnh vùng ĐBSCL thời gian qua vẫn ổn định và tăng nhẹ. Trong đó, lúa thường IR50404 tại An Giang tăng khoảng 300 đồng/kg; các loại lúa chất lượng cao như OM5451, OM6976 tại An Giang và Bạc Liêu tăng khoảng 100 đồng/kg và tăng mạnh hơn ở Kiên Giang…

Còn trên thị trường thế giới, trong tháng 6/2020, giá gạo XK của Thái Lan đã tăng nhẹ so với tháng trước đó. Tuy nhiên, việc giá tăng cao đã khiến gạo Thái Lan trở nên kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia XK chính khác như Ấn Độ và Việt Nam. Trong khi đó, gạo XK của Ấn Độ giảm nhẹ do tỷ giá đồng Rupee giảm và nhu cầu đặt hàng từ các đối tác nước ngoài đang chững lại.

Cụ thể, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan tăng từ 490-512 USD/tấn lên 505-533 USD/tấn. Còn gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giảm từ 368-373 USD/tấn xuống còn 366-372 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 26/3.

Tại Việt Nam, nguồn cung từ vụ thu hoạch lúa Hè Thu đang dần được đưa ra thị trường, khiến cho giá gạo giảm nhẹ so với tháng trước. Gạo 5% tấm của Việt Nam giảm từ mức 475 USD/tấn xuống còn 450 USD/tấn, mức thấp nhất trong gần 2 tháng.

Tháng 6/2020, XK gạo Việt Nam đạt khoảng 409 nghìn tấn, với giá trị đạt 207 triệu USD, đưa tổng khối lượng XK gạo 6 tháng đầu năm 2020 đạt gần 3,5 triệu tấn với kim ngạch đạt 1,71 tỷ USD (tăng 4,4% về khối lượng và tăng 17,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019). Về thị trường, Philippines vẫn là quốc gia hàng đầu nhập khẩu gạo Việt Nam.

Trong 5 tháng đầu năm, giá gạo XK bình quân đạt 485,1 USD/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ 2019. Về chủng loại, giá trị XK gạo trắng chiếm 38,0% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 38,0%; gạo nếp chiếm 19,6%; gạo Japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,2%.

Với gạo trắng, thị trường XK lớn nhất của Việt Nam là Philippines (chiếm 63,6%), kế đến là Malaysia (12,6%) và Ghana (2,9%). Với gạo Jasmine và gạo thơm, Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất (chiếm 36,6%), tiếp theo là Ghana (14,6%) và Bờ Biển Ngà (9,8%). Còn gạo nếp, thị trường lớn nhất là Trung Quốc (chiếm 75,6%), sau đó là Philippinines (7,8%) và Malaysia (5,7%)…

Theo dự báo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 494,3 triệu tấn, giảm khoảng 0,4% so với năm 2019. Tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 ước đạt 489,8 triệu tấn, tăng khoảng 1,3% so với năm 2019.

Đối với Việt Nam, triển vọng XK gạo đang được mở ra khi Hiệp định Thương mại Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) được Quốc hội thông qua. Trong đó, cam kết cụ thể EU dành cho Việt Nam là hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát; 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm) và tự do hóa hoàn toàn với gạo tấm. Sau 3-5 năm, thuế suất cho các sản phẩm từ gạo sẽ về 0%.

MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.