Giữa căng thẳng với Pháp, Thủ tướng Úc sang Mỹ họp 'Bộ tứ'

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Úc Scott Morrison. (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Úc Scott Morrison. (Ảnh: Reuters)
TPO - Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm nay lên đường sang Mỹ để dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm "Bộ tứ" trong bối cảnh Úc đang bị chỉ trích gay gắt về quyết định từ bỏ thoả thuận tàu ngầm với Pháp.

Dù Úc đã giải thích về quyết định của mình, nhưng việc ông Morrison cùng họp với Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể càng khiến Pháp khó chịu.

“Pháp đã không hài lòng và sự xuất hiện của ba ông Morrison, Biden và Johnson cùng nhau sẽ chẳng giúp gì để hàn gắn quan hệ”, ông Haydon Manning, giáo sư khoa học chính trị tại Đh Flinders (Úc), nhận định.

Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide cũng sẽ tham dự cuộc họp của các lãnh đạo "Bộ tứ" vào cuối tuần này.

Ngày 19/9, ông Morrison nói rằng ông không tiếc vì đã chấm dứt hợp đồng tàu ngầm với Pháp để chuyển sang mua công nghệ của Mỹ. Bước đi đột ngột này khiến Paris nổi giận và triệu đại sứ tại Canberra và Washington về nước.

Ông Morrison nói rằng Úc đã nêu băn khoăn về công nghệ tàu ngầm Pháp từ mấy tháng trước, và các tàu ngầm Mỹ sẽ phục vụ tốt hơn lợi ích của Úc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

“Quan điểm của chúng tôi là các tàu ngầm tấn công của họ không mang lại cho chúng tôi thứ mà chúng tôi cần để bảo vệ các lợi ích chủ quyền của mình”, ông Morrison nói.

Năm 2016, Pháp ký hợp đồng với Úc để cung cấp hàng chục tàu ngầm điện diesel thông thường và quá trình chuẩn bị đã được triển khai. Thoả thuận với tập đoàn Naval Group mà chính phủ Pháp nắm cổ phần chi phối trị giá ít nhất 40 tỷ USD.

Ngày 18/9, Pháp triệu đại sứ tại Mỹ và Úc về nước. Giới chức Pháp nói rằng đây không chỉ là phản ứng với chuyện mất hợp đồng mà còn là sự phản bội lòng tin.

Văn phòng Ngoại trưởng Úc Marise Payne trước đó ra tuyên bố bày tỏ “lấy làm tiếc” về việc Pháp rút đại sứ về nước.

“Úc hiểu sự thất vọng sâu sắc của Pháp trước quyết định của chúng tôi, nhưng chúng tôi ra quyết định dựa trên lợi ích an ninh quốc gia đã được khẳng định rõ ràng và có trao đổi”, tuyên bố nói.

Pháp cũng triệu đại sứ tại Mỹ về nước theo chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống Emmanuel Macron.

Ngày 15/9, Washington, Canberra và London công bố thành lập liên minh an ninh ba bên mang tên AUKUS. Dù không nhắc tên Trung Quốc, khuôn khổ đối tác này vẫn được hiểu là nỗ lực nhằm chống lại sức mạnh và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh ở khu vực.

Liên minh này định sẽ làm sâu sắc quan hệ hợp tác quốc phòng, an ninh và ngoại giao giữa ba quốc gia, cùng với việc tăng cường năng lực và khả năng tương tác trong các lĩnh vực an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo và công nghệ lượng tử.

Quan hệ này sẽ giúp Úc chế tạo những tàu ngầm hạt nhân đầu tiên bằng công nghệ từ Mỹ và Anh.

Một số nhà phân tích cảnh báo rằng quyết định lịch sử của Pháp khi triệu đại sứ về nước có thể mở đầu cho nhiều phản ứng nghiêm trọng hơn.

“Đây không chỉ là mâu thuẫn ngoại giao. Việc rút đại sứ về nước chỉ là phần nổi của tảng băng”, Peter Ricketts, cựu đại sứ Anh tại Pháp, nói với BBC.

Phát biểu với Sky News ngày 19/9, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton cho biết Canberra không thể mua tàu ngầm hạt nhân của Pháp vì kiểu tàu đó cần tái nạp nhiên liệu, trong khi tàu ngầm của Mỹ không đòi hỏi, vì thế công nghệ của Mỹ phù hợp với một quốc gia phi hạt nhân như Úc.

Dù đội tàu ngầm mới của Úc phải mất mấy thập kỷ nữa mới sẵn sàng hoạt động, nhưng ông Dutton cho biết Úc có thể tính chuyện thuê hoặc mua các tàu ngầm hiện tại từ Mỹ và Anh để sử dụng trong thời gian chờ.

Chưa rõ Úc sẽ được chuyển giao công nghệ tàu ngầm gì, nhưng mẫu thiết kế mới nhất của Hải quân Mỹ là tàu ngầm lớp Virginia. Được công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng General Dynamics chế tạo, tàu ngầm này chạy bằng nhiên liệu sinh ra từ một lò phản ứng hạt nhân, có thể đi với tốc độ hơn 25 knot (46km/h). Thuỷ thủ đoàn gồm 15 sĩ quan và 117 thuỷ thủ. Tàu có thể phục vụ cả chiến tranh chống ngầm và hoạt động thu thập thông tin tình báo.

Tàu được cung cấp nhiên liệu từ lò phản ứng hạt nhân nước áp lực 210MW, bên trong chứa nhiên liệu urani làm giàu đã khoá kín. Lò phản ứng này không cần tái nạp nhiên liệu trong suốt 30 năm hoạt động.

Theo Euro News
MỚI - NÓNG