Giữa căng thẳng với Nga, thời tiết khô hạn lại làm khó châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
Châu Âu áp dụng đủ mọi cách "cai nghiện" năng lượng Nga, nhưng thời tiết khô hạn bất thường mùa Hè năm nay đã khiến cuộc khủng hoảng ở châu Âu thêm trầm trọng.

Mùa Hè thường là khoảng thời gian châu Âu được mua khí đốt rẻ hơn những thời điểm khác trong năm vừa để sử dụng, vừa để tích trữ, do nhu cầu sưởi ấm giảm. Tuy nhiên, Bloomberg hôm nay (20/8) cho biết các quốc gia châu Âu hiện đang "hưởng thụ" mức giá cao gấp 11 lần trung bình các năm trước.

Giữa căng thẳng với Nga, thời tiết khô hạn lại làm khó châu Âu ảnh 1
Dữ liệu giá khí đốt ở châu Âu trong 10 năm qua. Đồ họa: TradingEconomics

Sau khi tập đoàn Gazprom của Nga ngày 19/8 thông báo về việc họ sẽ dừng cấp khí đốt sang Đức qua tuyến Nord Stream 1 trong 3 ngày để bảo dưỡng, từ 31/8 đến 2/9, giá khí đốt ở châu Âu tiếp tục tăng 9%.

Quy đổi ra năng lượng, hợp đồng khí đốt trên sàn giao dịch Hà Lan đóng cửa phiên gần nhất ở mức cao là 244,6 euro/1 MWh, tương đương 5,7 triệu VNĐ/ 1MWh. Tuy vậy, theo đánh giá của Gazprom, giá khí đốt tại châu Âu sẽ còn tăng thêm 60% vào mùa Đông tới, lên gần 400 euro/MWh.

Theo các chuyên gia, giá năng lượng tại châu Âu tăng do nguồn cung từ Nga thiếu hụt là một phần, phần nguyên nhân còn lại là bởi tình trạng thời tiết khô hạn do nắng nóng đã đẩy nhu cầu năng lượng lên cao, đồng thời khiến mực nước trên các con sông ở châu Âu xuống thấp kỉ lục, gây ra nhiều xáo trộn.

Giữa căng thẳng với Nga, thời tiết khô hạn lại làm khó châu Âu ảnh 2
Tàu bè di chuyển chật vật trên những con sông cạn nước ở Đức. Ảnh: DW

Tại Italia, quốc gia sử dụng khoảng 20% lượng điện từ các nhà máy thủy điện, tình thế đang ở mức báo động do nước trên các con sông suối giảm nhanh. Tờ Politico dẫn lời ông Francesco Fornari, đại diện tập đoàn Enel vận hành hơn 500 nhà máy thủy điện trên khắp Italia, xác nhận sản lượng điện mà Enel cung cấp trong năm 2022 chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ 2021.

Tại Pháp, sản lượng điện thủy điện giai đoạn hiện nay cũng giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty năng lượng khổng lồ EDF xác nhận các hồ chứa do họ vận hành chỉ đang được lấp đầy khoảng 67%, giảm 13% so với trung bình các năm.

Đối với Pháp, việc mực nước trên các con sông xuống thấp đồng thời gây khó cho hoạt động làm mát các lò phản ứng hạt nhân sản xuất điện. Thông thường, các nhà máy điện hạt nhân hút lượng lớn nước lạnh từ sông hồ để "hạ nhiệt" lò phản ứng, sau đó thải nước nóng ra môi trường.

Khi nước sông cạn kiệt, EDF buộc phải giảm công suất hoạc dừng một số lò phản ứng tại 56 nhà máy điện hạt nhân để tránh khiến nhiệt độ nước ngoài môi trường tăng cao quá mức, vốn gây hại đáng kể tới động vật hoang dã và hệ sinh thái tự nhiên.

Giữa căng thẳng với Nga, thời tiết khô hạn lại làm khó châu Âu ảnh 3
Xác một tàu chiến của Đức Quốc xã trồi lên mặt nước do mực nước sông Danube đoạn chảy qua Serbia xuống thấp. Ảnh: Reuters

Giới chức Pháp gần đây thậm chí đã buộc phải bỏ qua quy định về tác động với hệ sinh thái ở một số khu vực khi "bật đèn xanh" để 5 nhà máy điện hạt nhân tiếp tục hoạt động để "phục vụ cộng đồng", bất chấp mực nước xuống dưới mức cho phép.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức còn gặp nhiều rắc rối hơn. Các quan chức Đức cảnh báo sông Rhine đang ngày một cạn khô. Con sông dài hơn 1.200km này bắt nguồn từ Thụy Sĩ, chảy qua Áo, Đức, Pháp và Hà Lan, còn là tuyến đường thủy quan trọng vận chuyển hàng chục triệu tấn hàng hóa các loại mỗi năm của Đức.

Giữa căng thẳng với Nga, thời tiết khô hạn lại làm khó châu Âu ảnh 4

Hai phụ nữ bước trên bờ hồ Garda ở phía Bắc Italia đang cạn dần vì khô hạn. Ảnh: Reuters

Mức nước giảm khiến các sà lan chở không thể di chuyển, hoặc nếu có thì với tải trọng thấp và giá thành cao gấp nhiều lần, khiến hạ tầng công nghiệp ven sông bị tác động.

Vốn phụ thuộc vào nguồn than vận chuyển bằng đường sông, tình trạng sông Rhine cạn khô đẩy các nhà máy nhiệt điện tại Mannheim, Karlsruhe, Staudinger hay Datteln của Đức vào cảnh không thể vận hành đầy đủ. Uniper, công ty điện lực lớn của Đức, thông báo sẽ cắt giảm sản lượng điện 2 hoặc 3 nhà máy nhiệt điện vì không kịp cấp than.

Giữa căng thẳng với Nga, thời tiết khô hạn lại làm khó châu Âu ảnh 5
Nắng nóng, gió yếu khiến hoạt động sản xuất điện gió bị ảnh hưởng. Ảnh: Getty Images

Miền nam Na Uy, nơi có hơn 1/3 hồ chứa của đất nước, mực nước đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm, chỉ khoảng 46%. Hôm 16/8, mưa đã xuất hiện trở lại, nhưng chưa đủ để làm gia tăng nước trong các hồ chứa.

90% sản lượng điện của Na Uy đến từ thủy điện. Là một trong những nhà xuất khẩu điện lớn nhất châu Âu, nước này bán 1/5 tổng sản lượng điện cho các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, tình thế hiện nay khiến Oslo buộc phải cân nhắc khả năng dừng xuất khẩu điện để đảm bảo nhu cầu nội địa.

Bên cạnh đó, nắng nóng còn đi kèm với gió yếu, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất năng lượng gió. Chỉ có năng lượng Mặt trời là không hề hấn gì, nhưng chúng chỉ đáp ứng 5% sản lượng điện ở châu Âu. Mùa Đông tới, năng lượng từ điện Mặt trời sẽ tiếp tục giảm.

Theo Công an Nhân dân
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
TPO - Sáng 8/11, giá vàng trong nước đảo chiều tăng từ 1-1,8 triệu đồng/lượng. Trái ngược với hôm qua khi người dân ồ ạt bán ra, hôm nay nhiều người lại xếp hàng để mua, một số tiệm vàng phải treo biển thông báo hết hàng hoặc tạm ngừng bán.