Giữa 'bão' COVID-19, các trung tâm tư vấn du học đã 'cầm chừng' ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dịch COVID-19 khiến cho hoạt động tư vấn của nhiều trung tâm du học bị ảnh hưởng: phải cắt giảm nhân viên, chuyển cơ sở, “bối rối” chuyện thưởng Tết.
Giữa 'bão' COVID-19, các trung tâm tư vấn du học đã 'cầm chừng' ra sao? ảnh 1

Không có ứng viên nhưng… vẫn phải mở cửa

Đìu hiu, vắng vẻ là tình trạng của nhiều trung tâm, tổ chức, công ty tư vấn du học trên địa bàn thành phố Hà Nội trong suốt mùa dịch COVID-19 từ 2 năm trước đến nay.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Cao Văn Thơm (sinh năm 1992) - Giám đốc Trung tâm tư vấn du học Nhật Bản, Hàn Quốc (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay:

“Số lượng học viên của trung tâm hiện tại chỉ bằng 1/10 so với những năm trước chưa có dịch. Không có nguồn thu, công ty hiện phải vay vốn 300 triệu đồng để chi trả phí mặt bằng, lương nhân viên.

Hiện tôi vẫn phải duy trì mở cửa trung tâm nhưng cắt giảm nhân viên, chỉ còn 4 giáo viên Nhật, 1 giáo viên Hàn, 6 nhân viên văn phòng. Dịch bệnh nên có tháng chỉ có 1 học viên, có tháng không có học viên nào”.

Sở dĩ, trung tâm vẫn phải duy trì hoạt động là để tránh tạo ra tâm lý hoang mang cho các phụ huynh, học sinh đã đăng ký và hoàn tất thủ tục năm ngoái giờ vẫn chưa đi được.

“Để phụ huynh và học sinh yên tâm, tôi cùng các đồng nghiệp vẫn quyết định duy trì hoạt động để giải đáp thắc mắc, cung cấp thông tin cho những bạn đang bị “kẹt” lại.

Giữa 'bão' COVID-19, các trung tâm tư vấn du học đã 'cầm chừng' ra sao? ảnh 2

Có hoạt động ổn định hơn các trung tâm khác nhưng Trung tâm du học Nhật và đào tạo tiếng Nhật GoToJapan, Hà Nội cũng dừng quảng quá tuyển sinh tự túc 2 năm nay.

Vì hoạt động khó khăn nên năm nay, công ty tôi cũng cắt giảm hoàn toàn tiền thưởng Tết, các năm trước thưởng 50% lương cơ bản. Trong tương lai, nếu tình trạng cấm cảnh kéo dài thì công ty sẽ tạm đóng cửa bởi áp lực cạnh tranh nhiều, không còn đủ khả năng để duy trì”, giám đốc Trung tâm tư vấn du học Nhật-Hàn nói thêm.

Chuyển cơ sở, dừng quảng bá tuyển sinh

Ngay từ đợt dịch đầu năm 2019, Trung tâm tư vấn du học Meiji (Phạm Tuấn Tài, Cầu Giấy, Hà Nội) đã đóng cửa và chuyển về Bắc Giang hoạt động. Theo giám đốc Trung tâm tư vấn du học này - ông Nguyễn Văn Thủy chia sẻ:

“Khi dịch bắt đầu bùng phát, tôi cùng cộng sự quyết định chuyển cơ sở ở Hà Nội về Bắc Giang để tránh bị thiệt hại nặng về chi phí mặt bằng, nhân công đắt lại không có học viên. Trung tâm hiện có số lượng ứng viên ít, giảm hẳn 95% so với trước nên đã phải tối ưu hóa chi phí hoạt động bằng cách cắt giảm nhân viên, tái cơ cấu cấu trúc công ty.

Cộng với việc trung tâm hoạt động truyền thông không hiệu quả, cắt giảm điểm đến nhiều địa phương hội thảo nên mỗi kỳ tuyển được 1, 2 bạn. Hiện tại, trung tâm gặp khó khăn lớn nhất về tài chính, không vay được vốn nhưng vẫn phải cố “cầm cự” chờ mở cửa trở lại”.

Giữa 'bão' COVID-19, các trung tâm tư vấn du học đã 'cầm chừng' ra sao? ảnh 3

Bà Nguyễn Thị Minh Hải - Giám đốc trung tâm du học Nhật và đào tạo tiếng Nhật GoToJapan cho biết:

“Trước dịch, trung tâm có khoảng 200-300 bạn/ năm đăng ký, 2 năm trở lại lại đây, số học sinh đăng ký giảm xuống chỉ còn 50, 60 bạn. Thậm chí, do cấm cảnh chưa đi được nên các bạn cũng xin rút đi dần.

Số học sinh đi thẳng vào Đại học theo các chương trình học bổng bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật thì trước và trong dịch đều khoảng 50-60 bạn/ năm. Bởi học sinh đi thẳng vào đại học không bị ảnh hưởng. Dù các bạn không sang được Nhật nhưng ngồi ở Việt Nam vẫn được học và còn được nhận học bổng nên rất lợi”.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hải, trung tâm đã dừng quảng bá tuyển sinh các bạn đi du học tự túc. Chỉ các bạn tự tìm tới trung tâm và có nguyện vọng đi rõ ràng dù đã được giải thích rõ các vấn đề khó khăn trong dịch bệnh thì trung tâm mới làm thủ tục. Chính vì vậy số lượng du học sinh tự túc, đi học tiếng cũng giảm đi đáng kể.

“Còn với học sinh đi theo học bổng vào thẳng Đại học, trung tâm cũng không quảng bá nhưng đã thành thương hiệu và cũng gần như duy nhất có GoToJapan làm mảng này nên các cha mẹ và các bạn tự giới thiệu nhau tới.

Mùa dịch dù biết rõ khó khăn và rất nhiều trung tâm, đặc biệt các trung tâm du học Nhật đóng cửa do Nhật hoàn toàn cấm nhập cảnh nhưng tôi vẫn duy trì hoạt động của GoToJapan bình thường. Phần vì chương trình đi thẳng đại học của trung tâm vẫn ổn định, phần vì muốn hỗ trợ các bạn nhân viên trong lúc khó khăn”, bà Hải nói thêm.

Du học giữa “bão” COVID-19 có mạo hiểm không? Để trả lời cho câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Minh Hải tiếp tục thẳng thắn chia sẻ: “Thời kỳ đầu khi Việt Nam gần như không có ca nhiễm, tôi thấy các bố mẹ thật dũng cảm khi để các con đi. Trung tâm cũng nghĩ tới sự nguy hiểm của các bạn học sinh, rồi cả sự vất vả khi các bạn sang mà không có việc làm thêm nên đã dừng hẳn quảng bá tuyển sinh tự túc 2 năm nay, chỉ các trường hợp tự tìm tới và nhất quyết muốn đi dù đã nói rõ thì mới hỗ trợ làm.

Tuy nhiên, hiện nay, tôi thấy COVID-19 ở đâu cũng như nhau. Nhưng để kiếm việc làm thêm hỗ trợ chi phí học tập, sinh hoạt vẫn là điều khó hơn bình thường nên các bạn muốn đi phải thực sự cố gắng học tiếng trước ở nhà và gia đình cũng phải xác định sẵn sàng hỗ trợ các con.

Còn chương trình du học học bổng vào Đại học thì tôi lại thấy vẫn ổn vì các bạn có học bổng rồi nên không ngại. Việc học online của trường đại học cũng diễn ra rất tốt nhờ vào công nghệ và cách giảng dạy”.

MỚI - NÓNG