Giữ lao động về từ vùng trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
Công nhân hồi hương dễ dàng tìm được việc làm tại các khu, cụm công nghiệp của Bắc GiangẢnh: Quốc Hưng
Công nhân hồi hương dễ dàng tìm được việc làm tại các khu, cụm công nghiệp của Bắc GiangẢnh: Quốc Hưng
TP - Nhiều lao động Bắc Giang từ các khu kinh tế trọng điểm phía Nam về quê tránh dịch đang được các doanh nghiệp địa phương mời gọi đi làm. Chính quyền địa phương cũng ra sức kết nối, tạo điều kiện để giữ chân lao động.

“Bến đậu” quê nhà

Ba năm trước, anh Chu Văn Thái ở xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang xách ba lô vào phía Nam tìm việc. Nhờ người quen, anh nhanh chóng tìm được công việc giao hàng. Với mức thu nhập 9 -10 triệu đồng/tháng, trừ các khoản chi phí như tiền thuê nhà, điện, nước…, mỗi tháng, anh gửi về cho vợ 3 - 4 triệu đồng để nuôi hai con nhỏ. Đợt dịch thứ 4 bùng phát, anh phải nghỉ việc. “Những ngày giãn cách xã hội, không kiếm được đồng nào, cả ngày nằm trong căn phòng chật chội, nhớ vợ, nhớ con đến chảy nước mắt”, anh Thái chia sẻ.

Trong lúc tiến thoái lưỡng nan, anh Thái may mắn được UBND tỉnh Bắc Giang đón về quê. Sau thời gian cách ly, anh được Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bắc Giang hỗ trợ xin việc. Hiện anh làm công nhân tại nhà máy Newwing của Tập đoàn Hồng Hải với mức lương từ 7 - 9 triệu/tháng: “Giờ còn mong muốn gì hơn. Có công việc ổn định, gần vợ, gần con, tôi không đi đâu làm nữa”, anh Thái nói.

Gia đình chị Trần Thị Hồng, (ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) cũng nằm trong số lao động trở về Bắc Giang đợt dịch vừa qua. Trước đó, sau khi tốt nghiệp THPT, chị Hồng vào Bình Dương làm công nhân công ty sản xuất linh kiện điện tử. Sau một năm làm việc, chị yêu và kết hôn, chồng là người huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Tiền dành dụm của hai vợ chồng gần như dành hết vào việc sinh nở, chăm sóc con. Dịch bùng phát, gia đình rơi vào bế tắc vì hết tiền. Trở về Bắc Giang chị Hồng đã tìm được việc mới; chồng chị cũng đã đi làm dù chưa quyết định có ở hẳn lại Bắc Giang hay không.

Giữ chân lao động

Anh Thái, chị Hồng chỉ là 2 trong tổng số hơn 17 nghìn công dân trở về quê nhà Bắc Giang trong đợt dịch vừa rồi. Với một tỉnh đang công nghiệp hóa mạnh mẽ như Bắc Giang, khu, cụm công nghiệp mọc lên liên tục, nguồn lao động hồi hương, lành nghề sẽ là một nguồn lực quan trọng.

Đại diện Sở LĐ,TB&XH tỉnh Bắc Giang cho hay, sau nỗ lực khôi phục sản xuất, hiện toàn tỉnh có hơn 7,1 nghìn doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 305 nghìn lao động (trong KCN là 192 nghìn người), tăng hơn trước đợt dịch 40 nghìn người. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm 2021, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tuyển khoảng 27 nghìn lao động, trong đó gần 26 nghìn là lao động phổ thông. Vì thế, Sở LĐ,TB&XH tham mưu với UBND tỉnh nắm tình hình, giới thiệu việc làm cho lao động.

“Lao động làm việc tại quê hương được gần gũi gia đình, có điều kiện chăm sóc bố mẹ, nuôi dạy con cái, tiết kiệm chi phí. Nếu các doanh nghiệp ở vùng trọng điểm trả lương cao hơn, điều kiện ăn ở tốt hơn thì họ sẽ đi. Đó là việc cạnh tranh rất bình thường của thị trường lao động”. Ông Nguyễn Văn Huế,

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang cho biết: Sau khi tỉnh đón lao động từ các tỉnh khác trở về từ vùng dịch, Trung tâm phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến qua trang web, zalo, facebook và trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm. Hiện Trung tâm kết hợp với các huyện kết nối được khoảng 1.300 lao động, hầu hết có nhu cầu tìm việc làm mới trong các khu công nghiệp. Trung tâm phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ người lao động xét nghiệm Sars - CoV- 2, kết nối để tiêm vắc xin…

Ông Huế cho biết thêm, để giữ chân lao động lâu dài, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tăng tiền lương cơ bản, tăng hỗ trợ tiền ăn, nhà trọ, xe đi lại. “Theo quy luật hằng năm, dịp nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới, việc dịch chuyển lao động sẽ xảy ra, nhiều lao động về quê ăn Tết và không trở lại. Trung tâm sẽ tham mưu, thực hiện các biện pháp giữ chân lao động” - ông Huế nói.

“Lao động làm việc tại địa phương được gần gũi bố mẹ, gia đình, vợ con. Nhiều người sáng đi chiều về, không mất tiền thuê nhà, có thể chăn nuôi trồng trọt thêm. Đây là xu hướng ly nông bất ly hương, rất nhiều ưu thế”, ông Huế nói thêm và cho rằng, các vùng kinh tế trọng điểm phải chấp nhận cuộc cạnh tranh về thị trường lao động.

MỚI - NÓNG