Giàu từ độc tố

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nông sản Việt Nam đang dần có chỗ đứng trên nhiều thị trường khó tính như Châu Âu. Sản phẩm xuất khẩu có xu hướng tăng lên mỗi năm. Hoa thơm, quả ngọt của xứ sở được dịp khoe trên các kệ sản phẩm của siêu thị lớn, góp phần thu ngoại tệ về cho đất nước.

Tuy vậy, để sản phẩm nâng lên hàng thượng hạng, tập quán dựa nhiều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cần thay đổi.

Ngành kinh doanh thuốc BVTV tại Việt Nam từng là lĩnh vực siêu lợi nhuận. Nửa đầu năm ngoái, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 30 nghìn tấn thuốc BVTV (giảm 66% so với cùng kỳ năm 2019). Tin này không vui với doanh nghiệp, nhưng chắc chắn là điều tuyệt vời cho ngành nông nghiệp và người dân. Nhìn vào biểu đồ của nhiều doanh nghiệp chuyên kinh doanh sản phẩm này, thấy lợi nhuận giảm rõ rệt.

Hàng chục nghìn tấn “thuốc sâu” không có cơ hội bao phủ lên cây lúa, hoa quả, thấm vào lòng đất, hòa với nước ngầm. Qua rồi cái thời hễ thấy sâu bọ là phun thuốc để đẹp lá hoặc “rau hai luống” (luống không phun thuốc sâu để gia chủ ăn, luống đẫm thuốc đẹp mã đem bán). Không biết Bộ NN&PTNT đề xuất ban hành danh mục thuốc BVTV (với hàng loạt chất cấm) vừa rồi, có “lợi ích nhóm” nào can thiệp không?

Bài học sản phẩm xuất khẩu chứa dư lượng thuốc BVTV nhãn tiền, trong đó có cả chất mà Liên minh Châu Âu cấm. Nếu ai đó vì lợi nhuận của “con buôn” mà kéo thụt lùi chất lượng sản phẩm nông nghiệp, cơ quan chức năng cần xử nghiêm. Tránh tình trạng như nhiều năm trước cho ồ ạt nhập khẩu chất tạo nạc salbutamol trong chăn nuôi.

Hình ảnh người nông dân vật vã bên cánh đồng rau củ thối rữa, kêu giải cứu vẫn còn đó. Sản phẩm nông nghiệp không thể phụ thuộc vào đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc đầy rủi ro. Muốn vậy, hàng hóa làm ra phải được thị trường khát khao thưởng thức, chứ không phải trong tình trạng “xin-cho”.

Mỗi cánh đồng không thể giống một canh bạc “đánh” với thị trường bằng sản phẩm kém chất lượng. Việc này phụ thuộc vào tư duy chiến lược, thay vì cách giàu xổi. Người Nhật Bản có thể đấu giá chùm nho hữu cơ, bán trung bình khoảng trăm triệu đồng/quả, bởi họ dám hy sinh mảnh vườn đó nhiều năm, chấp nhận mất mùa, không dùng bất cứ loại thuốc BVTV nào.

Ở Việt Nam, đã có những sản phẩm như vải thiều Bắc Giang giá 1 triệu đồng/12 quả xuất đi Nhật. Một số nông dân trẻ Đắk Lắk đã biết dùng chính lá cây có mùi hắc để đốt xua đuổi côn trùng chích quả, thay vì phun thuốc trừ sâu cho tiện.

Đừng để nghịch lý kiểu này với người tiêu dùng Việt tăng lên: Người giàu đặt hoa quả tận châu Âu, Nhật về ăn cho an toàn; còn nông dân ta khốn khổ tìm đầu ra. Muốn tránh việc này, Bộ NN&PTNT hãy bắt đầu với việc “biên tập” danh mục thuốc BVTV.

Hãy coi chừng “nhóm lợi ích” thuyết phục bằng lý lẽ kiểu: 40% năng suất dựa vào thuốc BVTV, ảnh hưởng an ninh lương thực…

“Miếng ăn” của vài doanh nghiệp kinh doanh thuốc BVTV không thể là độc tố của người dân.

MỚI - NÓNG