Thầy trò cưu mang

0:00 / 0:00
0:00
TP - Có lẽ chưa bao giờ tâm thế người thầy người cô xao xác như những tháng ngày này. Dù thầy và trò suốt gần cả học kỳ qua vẫn chưa thể trực tiếp gặp nhau. Để tận thấy những ô ghế trống dưới lớp học, và thấy cả những khoảng trống trên bục giảng. Khoảng trống đau lòng mà đại dịch COVID-19 gây ra.

Chỉ trong vòng mấy tháng, bão dịch đã cướp đi hơn 23.400 đồng bào của chúng ta. Con số thiệt hại vì một trận dịch có lẽ lớn nhất trong hàng trăm năm lịch sử. Trong đó có hàng ngàn học trò và thầy cô giáo…

Ngày tháng mà những tiết học qua màn hình chiếc điện thoại tí hon, những máy tính cũ kỹ, thầy cô khó nhận biết cảm xúc gương mặt non tơ thẫn thờ của những em cùng lúc đã mất đi cả cha lẫn mẹ. Và những đứa trò nhỏ cũng khó nhận thấy nỗi đau sâu thẳm của thầy cô giáo mình cũng vừa bị dịch bệnh cướp đi người chồng, người vợ, đứa con, người thân ruột thịt và cả những đồng nghiệp.

Những ngày tháng mà trò yếu thế, thầy cô cũng mong manh. Thầy trò cưu mang lẫn nhau, đùm bọc nhau qua khó khăn, hoạn nạn, và biết ơn lẫn nhau.

Ngày Nhà giáo 20/11 năm nay lễ tri ân thầy cô hầu hết online, hoa quà và những lời chúc cũng online, cũng ảo. Khi dịch dã vẫn bủa vây, nhiều nơi thầy trò còn trong khu cách ly, bệnh viện. Như những trường học ở Nam Trà My, ở Điện Bàn - Quảng Nam nơi xuất hiện hàng chục, hàng trăm ca F0 là học sinh, thầy cô giáo. Khi mà sạt lở, bùn đất nhiều nơi ở miền Trung vừa ập xuống còn ngổn ngang cổng trường, lớp học…

Một đại lễ cầu siêu tưởng niệm vừa được tổ chức trên phạm vi cả nước, được xem là lớn nhất trong nhiều thập niên qua, dành cho những nạn nhân COVID-19 vĩnh viễn im lìm trong những bình tro cốt.

Đã và đang diễn ra nhiều hoạt động tiếp sức, chăm lo cho những em mồ côi cha, mẹ vì dịch bệnh. Và cả những trẻ em yếu thế do hoàn cảnh đói nghèo, khuyết tật, ảnh hưởng chất độc da cam,…

Chúng ta bằng mọi cách giúp trẻ vượt khó tới trường. Nhưng có ai tự hỏi chính rất nhiều thầy cô giáo cũng đang cần giúp vượt khó tới trường, để bục giảng bớt gập ghềnh hơn không? Có cần một “quỹ bình ổn” đời sống cho đội ngũ giáo viên mà thu nhập hiện đang còn rất thấp không? Có cơ chế nào để thầy cô giáo có thể dạy thêm, hoặc một hình thức tăng thêm thu nhập chính đáng và hợp lý nào khác, bằng chính kiến thức và mồ hôi công sức của mình không? Để thầy cô bớt phải vất vả, bươn chải mọi cách để đảm bảo đời sống, khiến hình ảnh đẹp của người thầy trong mắt học trò, xã hội vơi nhạt đi không ít.

Để thấy, thầy cô giáo cũng cần sự "cưu mang" bằng cơ chế, thể chế nhân văn và thiết thực, chứ không chỉ động viên, hô hào suông như hiện nay.

Dịch dã rồi cũng sẽ qua, nhưng sự nghiệp trồng người muôn thuở là cứu cánh của mọi xã hội, mọi thể chế, nếu thực sự muốn vượt thoát lạc hậu bất công vươn tới văn minh, hiện đại. Điều ai cũng thấy, cũng có thể dễ dàng nói ra, mà để thực hiện lại cứ xa vợi…

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.