Phó Thủ tướng đặt vấn đề về trách nhiệm của các Bộ về vấn đề này? Trả lời vấn đề này Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH giải thích trong số các hộ tái nghèo có một phần do chuẩn nghèo được nâng lên hàng năm, hơn nữa còn do yếu tố thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, tách hộ.
Theo số liệu của Ban chỉ đạo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 9,6% (2012), ước thực hiện năm 2013 là 7,6-7,8%. Theo số liệu năm 2012, trên cả nước, tỷ lệ số hộ nghèo cao nhất tập trung ở khu vực miền núi Tây Bắc với trên 28%, tiếp đó là miền núi Đông Bắc (17,4), Tây Nguyên và Khu 4 cũ 15%. Khu vực Đông Nam bộ chỉ có khoảng 1,3% hộ nghèo.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định hiện nay có quá nhiều chính sách giảm nghèo, thực trạng chồng chéo làm khó cho người tổ chức thực hiện lẫn bộ phận người dân được hưởng lợi từ chính sách. Bên cạnh đó vẫn còn bệnh thành tích trong giảm nghèo ở một số địa phương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử xác nhận hiện còn 16 chương trình mục tiêu quốc gia và có tới 196 văn bản về chính sách giảm nghèo của các bộ. Nhiều chính sách còn cào bằng dẫn đến tình trạng nơi cần thì không có, nơi có lại không cần. Ví dụ hỗ trợ muối, vùng cao thì cần nhưng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại không...
Đại diện Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đều cho rằng cần rà soát chính sách giảm nghèo để tích hợp nhằm dễ hiểu, dễ thực hiện. Nêu ví dụ về việc này, đại diện Bộ Tài chính cho biết riêng về các dự án cho vay hỗ trợ giảm nghèo bền vững có tới 6 quyết định của Thủ tướng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam chỉ ra nguyên nhân của việc giảm nghèo chưa bền vững là do “chúng ta làm chính sách xuất phát trên nhu cầu chứ không từ nguồn lực”. “Lâu này làm chính sách nhưng không có tiền, có quyết định của Thủ tướng nhưng bộ không có tiền rót xuống địa phương”. Nhiều chương trình được đánh giá cao như 135, chương trình nước sạch nhưng nguồn lực chỉ đạt 51 tới 71%, khiến thời gian thực hiện kéo dài.
Thứ trưởng Nam đề nghị phải triển khai chính sách giảm nghèo theo phương thức 1+1+1, vừa hỗ trợ, vừa cho vay đối ứng vừa cho vay ưu đãi tín dụng. “Như vậy từ nguồn lực này sẽ kéo theo nguồn lực khác giúp người dân thoát nghèo. Hơn nữa phải tạo các gói hỗ trợ để người nghèo lựa chọn cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình”, ông Nam nói.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng phải bớt các chính sách cho không, nếu hộ nghèo còn người có đủ khả năng lao động mà vẫn hỗ trợ tiền mặt sẽ làm mất nguồn lực lao động. Vì vậy phải tạo việc làm mới giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.
Bộ máy xóa đói giảm nghèo không ngốn tiền của người nghèo
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định không có chuyện bộ máy xóa đói giảm nghèo “ngốn” tiền của người nghèo.
Giải thích về việc này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng cách tính chia tổng số tiền của Quỹ xóa đói giảm nghèo cho tổng số hộ nghèo là sai lệch, không có cơ sở khoa học.
Bà Chuyền cho biết trong các chính sách giảm nghèo có rất ít chính sách đưa tiền trực tiếp xuống người dân, theo phương thức cho không. Thay vào đó là các chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững. Như vậy, kinh phí xóa đói giảm nghèo gồm hai phần kinh phí đầu tư và sự nghiệp. Kinh phí đầu tư bao gồm nâng cấp cơ sở hạ tầng như các công trình điện, đường, trường, trạm. Kinh phí sự nghiệp như các hoạt động đào tạo nghề, cấp vốn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
“Tất cả chính sách hỗ trợ trực tiếp như tiền điện, học phí, đất sản xuất, vay tín dụng đều đến người nghèo”, Bộ trưởng Chuyền nói.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững khẳng định trước đó Chính phủ đã quyết định không lấy kinh phí trong các chương trình giảm nghèo để chi cho bộ máy.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng cho biết thêm, hiện nay chỉ tồn tại một Văn phòng Ban chỉ đạo Giảm nghèo trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH, một số cán bộ thuộc Vụ Bảo trợ xã hội được điều động sang. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất phương án có bộ phận chuyên trách làm công tác giảm nghèo ở cấp tỉnh, chế độ cho cộng tác viên giảm nghèo cấp xã để nâng cao năng lực tham mưu, điều hành thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Kết luận buổi họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định mặc dù giảm nghèo nhanh nhưng chưa đồng đều, chưa vững chắc. Có huyện vẫn còn 66% hộ nghèo, nhiều xã có tỷ lệ hộ nghèo lên tới 90%.
Vì vậy phải thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện theo hướng giảm nghèo bền vững. Cố gắng xác định đối tượng nào là cho không, đối tượng nào là cho vay, đối tượng nào hỗ trợ, đối tượng nào là bảo trợ xã hội. “Chính sách phải tạo điều kiện cho người dân về vốn sản xuất, hỗ trợ về đào tạo, khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo”, Phó Thủ tướng nói.