Tái nghèo tăng vì có nơi chính quyền quan liêu

Tái nghèo tăng vì có nơi chính quyền quan liêu
TP - Ngày 6-3, tại Diễn đàn đa chiều xoá đói giảm nghèo và tăng trưởng bền vững (Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức), nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, kết quả xóa đói giảm nghèo tuy ấn tượng, nhưng mong manh.

> Giảm nghèo ở Việt Nam vẫn chưa hoàn tất
> Tiết kiệm chi tiêu thưởng 5 triệu đồng cho hộ thoát nghèo

Theo chuẩn nghèo mới, đến cuối năm 2012, tỷ lệ nghèo cả nước còn khoảng 10%, giảm so với năm 2011. Riêng các huyện nghèo, tỷ lệ nghèo bình quân khoảng 45%. Người nghèo tập trung phần lớn ở khu vực nông thôn (chiếm khoảng 90%). Ở một số huyện miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, miền núi duyên hải miền Trung, Tây Nam Bộ là những nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 50%).

Theo TS. Vũ Đình Ánh, nguyên nhân chính làm cho kết quả xóa đói giảm nghèo (XĐGN) càng trở nên bấp bênh và tái nghèo xuất hiện càng nhiều là do lạm phát tăng cao. Vì lạm phát nên giá cả các loại hàng hóa thiết yếu gia tăng khiến công tác XĐGN càng khó khăn, dễ xảy ra tình trạng tái nghèo và cản trở cơ hội thoát nghèo. “Chừng nào khu vực kinh tế nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, trong khi tỷ trọng lao động nông nghiệp vẫn cao và sự phát triển của nông nghiệp vẫn chưa dựa chủ yếu vào áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động. Cũng như chừng nào tăng trưởng kinh tế chỉ tập trung vào một vài địa phương, vài thành phố lớn thì công tác XĐGN còn tiếp tục khó khăn” - TS. Ánh nói. Theo TS. Ánh, muốn XĐGN bền vững, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và liên tục dựa trên thay đổi mô hình tăng trưởng, cơ chế phân phối kết quả tăng trưởng trong khi duy trì lạm phát ổn định ở mức thấp.

Ông Vũ Hoàng Linh, chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, những cú sốc về việc làm, tỷ lệ lạm phát cao, tăng trưởng GDP thấp dần là những thách thức mới đối với các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam. Trong khi đó, đại diện Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), nguyên nhân khiến kết quả giảm nghèo chưa bền vững do các chương trình giảm nghèo triển khai trong thời gian qua chưa toàn diện, nhiều chính sách.

Ngoài những lý do khách quan (kinh tế toàn cầu khó khăn, tác động của chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách giảm nghèo…), theo nhiều chuyên gia, thách thức khiến Việt Nam khó giảm và thoát nghèo còn bởi có nơi chính quyền còn quan liêu, người nghèo ỷ lại. “Nhận thức của người dân còn hạn chế, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước và cộng đồng vẫn còn phổ biến ở nhiều địa phương nên đã hạn chế phát huy nội lực và sự nỗ lực vươn lên của họ” - đại diện Cục Bảo trợ Xã hội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG