Giáo viên vùng cao “nghe Tết mà... tủi!”

Thầy trò vùng cao cùng trồng rau cải thiện bữa ăn
Thầy trò vùng cao cùng trồng rau cải thiện bữa ăn
TP - Với giáo viên vùng cao, thưởng Tết có khi chỉ là những gói hạt dưa, hộp bánh, chai dầu ăn… từ nguồn tiết kiệm do trường đã chi tiêu dè sẻn! 

“Thắt lưng buộc bụng” mua quà Tết 

 
Thông tin về nhiều trường ở TPHCM thưởng Tết cho giáo viên từ vài triệu đến vài chục triệu đồng khiến giáo viên vùng cao, miền núi ở Gia Lai - Kon Tum không khỏi chạnh lòng.

Ông Nguyễn Hóa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết: Ngành giáo dục không có nguồn kinh phí thì lấy đâu mà thưởng Tết cho giáo viên? Chúng tôi vì thế cũng đành không có chủ trương thưởng Tết, chỉ động viên các trường vận động linh hoạt, quản lý chi tiêu chặt chẽ để dùng phần tiết kiệm được hỗ trợ phần nào cho giáo viên. 

Thầy Tạ Văn Quang - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Nói là thưởng Tết, thực ra đó là khoản trường trích một phần kinh phí tiết kiệm từ các khoản chi thường xuyên như công tác phí, tàu xe. Tết này, mỗi giáo viên được trường hỗ trợ khoảng 500.000 đồng bằng cách mua hạt dưa, bột ngọt, dầu ăn, nước mắm… làm quà”.

Theo thầy Lê Văn Hoàn - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông: Huyện này địa bàn xa xôi cách trở, 847 giáo viên ở đây cũng vất vả, trầy trật hơn những nơi khác. Hằng ngày, giáo viên phải vào tận làng để vận động học sinh ra lớp, có khi giáo viên phải lên rẫy gọi học trò trở lại trường.

Để các em khỏi bỏ học, các thầy cô phải vào bếp lo từng bữa ăn, mua kẹo dỗ học sinh đến lớp. Thưởng Tết dù ít hay nhiều cũng có ý nghĩa động viên các thầy cô “bám trường, bám bản”. Do các trường tự chủ về tài chính nên ở đâu khéo “thắt lưng buộc bụng”, giáo viên ở đó may ra có chút quà tết cho đỡ tủi.

Gần tháng nay, hàng chục giáo viên ở 3 xã vùng biên giới phía nam huyện Sa Thầy (gồm: Ia Tơi, Ia Dom và Ia Đal) đứng ngồi không yên vì bỗng dưng bị cắt khoản tiền hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn. 

Thầy Nguyễn Quang Thọ - Hiệu trưởng Trường TH Lê Quý Đôn (xã Ia Tơi, huyện Sa Thầy) giải thích: Lâu nay, giáo viên vẫn được hưởng chế độ này từ xã cũ, do xã mới được khánh thành chưa được công nhận xã khó khăn nên bị “tạm ngưng” hỗ trợ. Tính ra mỗi giáo viên bị hụt gần một nửa tiền lương nên rất lo lắng, chờ đề xuất của huyện. Trường đã họp bàn hỗ trợ mỗi giáo viên 500.000 đồng, để động viên các thầy cô ăn Tết vui vẻ.

Một thùng bia đã là quý!

Ông Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai khẳng định: Việc thưởng Tết cho giáo viên là không có! Do các trường không thuộc diện đơn vị sự nghiệp có thu, hoặc doanh nghiệp tự chủ về tài chính.

Theo ông Thạch, không thể dựa vào mức thưởng Tết mà so sánh với các ngành nghề khác. Giáo viên có đặc thù riêng, ngoài tiền lương còn có các khoản tiền đứng lớp, tiền thâm niên, các ngày lễ, nên thu nhập cũng… tương đối! Toàn tỉnh có trên 25.000 giáo viên, chỉ cần thưởng Tết mỗi người 500.000 đồng thì ngân sách đã phải chi 12,5 tỷ đồng - nguồn này lấy đâu ra? 

Do điều kiện phần lớn các trường còn nhiều khó khăn, các khoản tiết kiệm càng eo hẹp. Thầy Đinh Trọng Hiếu - Hiệu trưởng Trường THCS Ia Kly (xã Ia Kly, huyện Chư Prông) chia sẻ: Ở đây 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhiều em ăn còn chưa no thì trường lấy đâu ra tiền để thưởng Tết cho giáo viên? Để thầy cô đỡ buồn tủi, trường trích kinh phí hỗ trợ mỗi người 1 thùng bia mừng Tết. Vậy đã là quý, trước khi tôi về trường, giáo viên có gì làm quà Tết đâu”.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.