Giao thông Thủ đô: Hóa giải nhiều "điểm đen"

Nút giao thông Thanh Xuân - một trong 10 "điểm đen" ùn tắc vừa được xóa bỏ. Ảnh: Anh Trọng.
Nút giao thông Thanh Xuân - một trong 10 "điểm đen" ùn tắc vừa được xóa bỏ. Ảnh: Anh Trọng.
TP - Sau khi khảo sát và tìm ra nguyên nhân của 44 điểm ùn tắc trên địa bàn Thủ đô, 3 tháng đầu năm 2016, Sở GTVT Hà Nội đã “hóa giải” được 10 điểm. Cận cảnh và tìm ra giải pháp được xem là cách tiếp cận mới của công tác chống ùn tắc tại Thủ đô.

Xóa hơn 20% “điểm đen” trong 3 tháng

Lãnh đạo sở GTVT Hà Nội cho biết, “Chương trình mục tiêu nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020” đang được Sở quyết liệt triển khai. Ngay từ những ngày đầu của năm 2016, Sở GTVT Hà Nội đã chủ động phối hợp với Công an thành phố tiến hành khảo sát các điểm, tuyến đường, nút giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc. “Từ đó, liên ngành Sở GTVT - Công an thành phố đã lên được danh sách 44 điểm ùn tắc và đang có nguy cơ ùn tắc trên địa bàn. Cùng với đó là đưa ra giải pháp để từng bước giải quyết”, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói.

Hiện tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân quá nhanh; nhiều khu nhà cao tầng tiếp tục được xây dựng, đưa vào sử dụng khiến tình hình giao thông vẫn diễn biến phức tạp. 

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội

Phân tích 44 điểm ùn tắc trên, ông Vũ Văn Viện cho rằng, có 17 điểm (tương đương 38,6%) ùn tắc do các công trình trọng điểm chiếm dụng lòng đường. Trong đó có các công trình: Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có 4 điểm; đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có 4 điểm; công trình hầm chui Thanh Xuân, Trung Hòa có 3 điểm; dự án đường vành đai 2, đoạn Cầu Giấy - Nhật Tân có 2 điểm; Dự án đường Vành đai 2, đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái có 2 điểm…

Tiếp đến, có 20 điểm do lưu lượng phương tiện cá nhân tập trung lớn trên các tuyến đường hướng tâm và vành đai. 7 điểm do các khu nhà cao tầng đưa vào sử dụng khiến mật độ giao thông trên các tuyến đường chạy qua tăng đột biến. Ngoài ra còn do một số nguyên nhân, như: điều kiện khí hậu thời tiết; ý thức chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông chưa cao; do phương án tổ chức, điều phối giao thông, đèn tín hiệu chưa phù hợp. 

Giao thông Thủ đô: Hóa giải nhiều "điểm đen" ảnh 1 Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.

Từ thực tế khảo sát này, ông Viện cho biết, liên ngành GTVT - Công an thành phố đã đưa ra nhiều phương án tháo gỡ và đã thực hiện quyết liệt từ đầu năm đến nay. Cụ thể, Sở GTVT đã chủ động, yêu cầu nhiều các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án thi công trên đường, do vậy dịp trước Tết Nguyên đán Bính Thân, các công trình hầm chui Thanh Xuân, Trung Hòa, Vành đai 2, nút giao Long Biên được thông xe, xóa được 6 điểm ùn tắc trên các tuyến đường Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng. Liên ngành tiến hành điều chỉnh, tổ chức lại giao thông, trong đó có phân luồng nhằm giảm phương tiện cá nhân trên một số tuyến đường, giúp thành phố xóa thêm được 4 điểm ùn tắc. 

Như vậy, bằng các giải pháp trên, trong 3 tháng đầu năm liên ngành Sở GTVT – Công an đã giải quyết được 10 điểm (tương đương 22%) ùn tắc trên tổng số 44 điểm ùn tắc hiện nay. 

Giao thông Thủ đô: Hóa giải nhiều "điểm đen" ảnh 2 Nút giao thông Cầu Giấy vừa thoát ùn tắc nhờ cầu vượt đường Vành đai 2 thông xe trong quý I. Ảnh: Như Ý.

Cầu vượt tiếp tục tháo gỡ nút thắt

Đánh giá về giao thông trên địa bàn Hà Nội hiện nay, ông Vũ Văn Viện cho rằng, sau khi liên ngành Sở GTVT - Công an thành phố thực hiện một số giải pháp trên, lưu lượng phương tiện và việc đi lại của người dân trên nhiều tuyến phố đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân quá nhanh; nhiều khu nhà cao tầng tiếp tục được xây dựng, đưa vào sử dụng khiến tình hình giao thông vẫn diễn biến phức tạp. 

Theo khảo sát mới nhất của liên ngành, ngoài những điểm ùn tắc đã tồn tại, hiện nay trên địa bàn thành phố lại đang có hiện tượng xuất hiện thêm những điểm ùn tắc mới. Do vậy, thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục duy trì các biện pháp đã triển khai. Trong đó, yêu cầu chủ đầu tư các dự án trọng điểm như: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội; Vành đai 1; Vành đai 2; Dự án thoát nước giai đoạn 2… đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành thi công theo phương án đã được phê duyệt. Tiếp tục điều chỉnh hợp lý các cụm đèn tín hiệu, camera giám sát tại các nút giao thông thường xuyên ùn tắc. Nâng cấp, hoàn thành hệ thống kết nối camera giám sát giao thông để xử phạt vi phạm nguội. Xét dải phân cách giữa đường Trần Duy Hưng, tổ chức lại nút giao thông Kim Mã - Vạn Bảo, phía Bắc cầu Chương Dương, QL5…

Cùng với các giải pháp trên, Sở GTVT cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai, phối hợp triển khai thêm nhiều cầu vượt nhẹ mà thành phố đã có chủ trương tại các nút giao thông lớn có nguy cơ ùn tắc. Trong đó ưu tiên xây cầu vượt sớm các nút: Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc, Bạch Mai - Lê Thanh Nghị, Thanh Niên - An Dương - Yên Phụ, Trần Hưng Đạo - Nguyễn Khoái, đường trên cao vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, hầm chui Lê Văn Lương… “Với các giải pháp đồng bộ trên, thời gian tới Sở GTVT Hà Nội sẽ quyết tâm giải quyết thêm 14 điểm ùn tắc trên địa bàn thành phố”, ông Viện nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.