Giao thông Hà Nội 8 tháng đầu năm: Những “đột phá” mới

Nút giao thông Trần Khát Chân - Kim Ngưu (vành đai 1) là 1 trong 6 “điểm đen” ùn tắc vừa được Sở GTVT Hà Nội xóa bỏ trong 8 tháng qua nhờ thông xe cầu vượt. Ảnh: Trọng Đảng.
Nút giao thông Trần Khát Chân - Kim Ngưu (vành đai 1) là 1 trong 6 “điểm đen” ùn tắc vừa được Sở GTVT Hà Nội xóa bỏ trong 8 tháng qua nhờ thông xe cầu vượt. Ảnh: Trọng Đảng.
TP - Cùng với giảm 3 tiêu chí về ùn tắc, TNGT, 8 tháng đầu năm nay giao thông Hà Nội còn ghi dấu ấn với hàng loạt chủ trương mang tính quyết sách được đại diện nhân dân “ấn nút” thông qua. Chỉ riêng việc điều chuyển thành công luồng tuyến xe khách, Đề án quản lý phương tiện giao thông được HĐND thành phố Hà Nội thông qua, đã chấm dứt nhiều năm thành phố loay hoay tìm giải pháp thực hiện.

Trao đổi với Tiền Phong, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, giao thông đang là vấn đề cấp bách trong phát triển đô thị, do vậy lĩnh vực này thời gian qua đã được các cấp lãnh đạo của thành phố hết sức quan tâm, chỉ đạo. Cùng với đó là sự đồng hành, chia sẻ của nhân dân.

“Ấn nút” thông qua nhiều quyết sách

Thưa ông, từ đầu năm đến nay giao thông Thủ đô đã đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó có những vấn đề mang tính quyết sách được thông qua, cụ thể những kết quả này là gì?

Năm 2017 tiếp tục được Sở GTVT chọn thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố (Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 2/5/2016 của Thành ủy và Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 1/6/2017 của UBND thành phố) về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT); giảm ùn tắc trên địa bàn Thủ đô… Từ đầu năm đến nay, Sở GTVT Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều nội dung thuộc 7 nhóm giải pháp đã được đưa ra.

Giao thông Hà Nội 8 tháng đầu năm: Những “đột phá” mới ảnh 1 Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện.

Với nội dung ATGT, năm 2017 thành phố đặt ra mục tiêu TNGT phải giảm từ 5 đến 10% trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và bị thương), ngay từ đầu năm, Sở GTVT Hà Nội đã đảm nhiệm vai trò cơ quan thường trực để thành phố phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức lễ ra quân Năm an toàn giao thông 2017 tại Hà Nội. Sau lễ ra quân, Sở GTVT và các quận huyện, thị xã đã quyết liệt triển khai các nội dung thành phố chỉ đạo. Đến nay, sau 8 tháng triển khai, giao thông Thủ đô đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, tình hình TNGT đã giảm cả ba tiêu chí so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xảy ra 807 vụ (giảm 9,8%), làm 319 người chết (giảm 3,3%), 656 người bị thương (giảm 10,9%). Với các điểm ùn tắc, qua khảo sát trên địa bàn thành phố lâu nay đang tồn tại 41 điểm, tuy nhiên bằng nhiều giải pháp, trong đó có việc đẩy nhanh thi công các dự án cải tạo, xây cầu vượt… đến nay Sở GTVT đã “xóa” được 6 điểm (tương đương giảm 14%) các điểm ùn tắc. Các điểm này nằm tại các nút giao thông, gồm: Trần Khát Chân - Lò Đúc - Kim Ngưu (Vành đai 1), Trung Văn - Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài), Bắc cầu Chương Dương, QL5 - Trâu Quỳ, Cổng nhà máy sữa Vinamilk - QL5, Trần Phú - Nguyễn Văn Lộc.

Trên lĩnh vực tổ chức, quản lý giao thông, ngay từ ngày đầu năm 2017, Sở GTVT và Công an thành phố đã tham mưu cho thành phố thực hiện phương án sắp xếp, điều chuyển hơn 690 lượt xe khách liên tỉnh tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội theo đúng luồng tuyến quy hoạch nhằm giảm ùn tắc cho giao thông thành phố. Mặc dù không ít ý kiến trái chiều, song với quyết tâm cao, đến nay Sở GTVT đã thực hiện được 100% kế hoạch điều chuyển, xe khách liên tỉnh tại Hà Nội hoạt động đúng luồng tuyến, đúng bến. Trong 8 tháng qua, Sở GTVT cũng phối hợp với Tổng Cty Vận tải Hà Nội triển khai và mở thêm 15 tuyến buýt mới, trong đó có các tuyến chạy đến các huyện ngoại thành cuối cùng tại Hà Nội, giúp thành phố sớm hoàn thành mục tiêu phủ kín mạng lưới xe buýt có trợ giá đến tất cả các quận huyện, thị xã. Ngoài ra, việc đưa tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên theo lộ trình Kim Mã - Yên Nghĩa vào hoạt động cũng giúp vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) Hà Nội có thêm một loại hình vận chuyển khách hiệu quả.

Giao thông Hà Nội 8 tháng đầu năm: Những “đột phá” mới ảnh 2 Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đang giảm áp lực cho giao thông Thủ đô.

Cũng trong tháng 7 vừa qua, với trên 90% tỷ lệ phiếu tán thành, HĐND thành phố đã thông qua Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2017- 2020 tầm nhìn 2030. Việc Đề án được thông qua đã kết thúc hơn 10 năm thành phố tìm các giải pháp để kiểm soát, quản lý phương tiện cá nhân. Quy hoạch giao thông tĩnh gồm bến xe, bãi đỗ xe và Đề án Quản lý taxi cũng đang được Sở GTVT đưa ra lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện, trình thành phố. Cuộc thi tuyển ý tưởng tổ chức giao thông và chống ùn tắc trên địa bàn Thủ đô cũng đã có kết quả khi Sở GTVT đã chọn ra những ý tưởng tốt nhất để trao giải và triển khai ở thực tế.

Thực tế hóa quy hoạch, xóa “điểm đen” ùn tắc

Vừa qua HĐND Hà Nội thông qua Đề án quản lý phương tiện giao thông, việc này được đánh giá kết thúc hơn 10 năm Hà Nội “loay hoay” tìm giải pháp, ông cho biết đâu là bước ngoặt?

Hà Nội hiện có trên 5,7 triệu phương tiện, trong đó riêng xe máy chiếm 5,2 triệu (trên 90%), ngoài ra, mỗi năm con số này đang tăng thêm cao nhất 10%. Với đà này, theo tính toán nếu cứ để phương tiện cá nhân gia tăng tự do thì đến năm 2025, Hà Nội sẽ có 8,6 triệu phương tiện. Lúc đó, chỉ cần khoảng 80% số xe này cùng ra đường thì giao thông sẽ tê liệt. Việc HĐND thành phố thông qua Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông, sau đó lãnh đạo UBND thành phố đã ra quyết định phê duyệt để triển khai là hết sức cần thiết, kịp thời. Mục tiêu của đề án, tập trung kiểm soát lượng phương tiện tham gia giao thông nhằm giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường, phát triển vận tải công cộng (VTCC) để đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của người dân. Để thực hiện được các mục tiêu này, đề án có các nội dung, lộ trình chuẩn bị, thực hiện rất rõ ràng. Cụ thể, thay vì chọn một số loại phương tiện hay vùng để hạn chế, đề án xác định đến năm 2030 sẽ dừng hoạt động toàn bộ xe máy tại các quận; lộ trình được đưa ra để thực hiện nội dung này là 13 năm (các Đề án, giải pháp trước đây chỉ là 8 đến 10 năm). Giải pháp để thực hiện được lộ trình này, đề án cũng đưa ra chỉ tiêu rất rõ, từ nay đến năm 2025, VTHKCC Thủ đô phải đạt được 30% nhu cầu, đến năm 2030 là 50 đến 55% nhu cầu đi lại của người dân. Để đạt được chỉ tiêu phát triển VTHKCC, đề án cũng đặt ra kế hoạch từ nay đến năm 2030 ngoài xe buýt, BRT, VTKHCC có tổng cộng 10 tuyến đường sắt đô thị. Đây là những nội dung rõ nét, cụ thể và khác biệt nhất so với các Đề án, giải pháp từng được đưa ra trước đó. Nhờ vậy, khi được đưa ra lấy ý kiến đại diện nhân dân Thủ đô, có trên 90 ý kiến được khảo sát ủng hộ; tiếp đó là trên 90% số phiếu đại biểu HĐND Hà Nội “ấn nút” thông qua đề án.

Giao thông Hà Nội 8 tháng đầu năm: Những “đột phá” mới ảnh 3 Xe cá nhân bùng nổ đang là thách thức lớn đối với quản lý đô thị và tổ chức giao thông tại Hà Nội. Ảnh: T.Đảng.

Để đảm bảo giao thông trên địa bàn thành phố, thời gian tới Sở GTVT sẽ triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào?

Sở GTVT sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm xử lý, khắc phục kịp thời tình trạng ùn tắc. Xây dựng các kế hoạch, nội dung theo từng chuyên đề để triển khai đồng bộ Đề án quản ký phương tiện giao thông và Chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khung trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2020. Cụ thể trong 5 tháng tới, Sở GTVT tiếp tục phối hợp, thúc đẩy các đơn vị thi công sớm hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông theo quy hoạch. Bên cạnh đó làm tốt công tác duy tu, duy trì, đảm bảo an toàn hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Tổ chức, điều hành giao thông hợp lý, nhằm giảm và xóa bỏ thêm các “điểm đen” ùn tắc, TNGT. Phối hợp với Bộ GTVT, các tỉnh thành phố rà soát công tác điều chuyển, hợp lý hóa luồng tuyến xe khách đảm bảo hoạt động công bằng, hiệu quả cho các doanh nghiệp vận tải tại các bến. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh vận tải. Tham mưu cho thành phố và Bộ GTVT các quy định quản lý chặt hoạt động của xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ, trong đó có xe Grab, Uber… Chủ động phối hợp, xây dựng các kế hoạch cụ thể để triển khai Đề án quản lý phương tiện giao thông cho năm nay và các năm tiếp theo. 

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.