Giao mùa, nhiều trẻ nhập viện vì ho gà

Bệnh nhi An Nhiên đang được uống thuốc điều trị ho gà. Ảnh: T.Hà.
Bệnh nhi An Nhiên đang được uống thuốc điều trị ho gà. Ảnh: T.Hà.
TP - Thời tiết chuyển từ đông sang xuân là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh ho gà phát triển. Trong 3 tháng đầu năm, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) điều trị cho hơn 30 trẻ bị ho gà dai dẳng.

Tuyến dưới không chẩn đoán đúng bệnh

Phòng bệnh trên tầng 2 của Khoa Truyền nhiễm được dành riêng cho bệnh nhân ho gà. Tám trẻ nhỏ từ 2,5-3,5 tháng thi nhau ho từng cơn rũ rượi. Đang ngủ yên trong vòng tay mẹ thì bé An Nhiên (3 tháng 9 ngày tuổi, ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) bỗng ho thành cơn. Hốt hoảng vì thấy con ho dữ dội, chị Đào, mẹ cháu bé, úp người con xuống, lấy tay còn lại vỗ bồm bộp vào lưng bé.

Tay người mẹ vừa dừng vỗ cũng là lúc toàn bộ gương mặt trẻ chuyển từ ửng hồng do ho sang tím tái. Ngay lập tức, y tá đang chăm trẻ ở giường bên cạnh chụp mặt nạ oxy cho bệnh nhân giúp bé thở dễ dàng hơn. Chị Đào cho biết, cách đây hơn 20 ngày, bé Nhiên bị ho nhiều nên gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phế quản, cho uống và tiêm kháng sinh nhưng không đỡ. Tiếp đó trẻ xuất hiện những đợt tím tái nên gia đình xin chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Nhi T.Ư. Được biết, bé An Nhiên đã được tiêm phòng 1 mũi vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem lúc 2,5 tháng.

Nằm giường bên cạnh, bé Hoài Nam (3 tháng tuổi, ở phố Cửa Đông, Hà Nội) bị ho nên gia đình đưa đến Bệnh viện Saint Paul khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi, viêm phế quản, phải thở máy 20 ngày. Sau khi ra viện được 10 ngày trẻ lại nhập viện, tiếp tục tiêm và uống nhiều thuốc kháng sinh nhưng không đỡ, bác sĩ chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Nhi T.Ư điều trị. Tại đây, bệnh nhân được xác định mắc bệnh ho gà và dùng thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn ho gà. Chị Vũ Thị Nga cho hay con chị 3 tháng tuổi cũng được Bệnh viện Lâm Thao (Phú Thọ) chẩn đoán bị viêm họng nhưng cho uống nhiều thuốc vẫn không khỏi. Sốt ruột nên gia đình tự ý đưa con đến Bệnh viện Nhi T.Ư để khám và được xác định bị ho gà.

Trong thời gian đầu mắc bệnh, triệu chứng ho gà rất giống với những chứng bệnh cảm thông thường nên nhiều gia đình có tâm lý chủ quan tự mua thuốc về chữa cho con. Đến khi thấy trẻ ho nặng, bị tím tái mới đưa vào viện thì đã trong tình trạng nguy kịch vì suy hô hấp.

Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh diễn biến qua 3 giai đoạn với biểu hiện ban đầu là xuất tiết kéo dài từ 1-2 tuần bằng triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên không rõ ràng như chảy mũi, ho nhẹ (phần nhiều là ho về đêm). Giai đoạn toàn phát từ 1-2 tuần kế tiếp, trẻ bắt đầu ho nhiều, ho dài rồi tiến triển thành từng cơn ho sặc sụa.

Ho gà là bệnh nhạy cảm với kháng sinh nên khi được dùng đúng thuốc sẽ hiệu quả ngay. Bác sĩ Hải khuyến cáo, người lớn cần ở bên cạnh trẻ để theo dõi các cơn ho vì nguy cơ trẻ ngưng thở khi ho rất dễ xảy ra, đặc biệt là ban đêm. Khi trẻ bị ngưng thở cần kích thích trẻ thở trở lại bằng cách chạm (cấu nhẹ) vào da của trẻ.

Theo bác sĩ Hải, trong thời gian đầu mắc bệnh, triệu chứng ho gà rất giống với những chứng bệnh cảm thông thường nên nhiều gia đình có tâm lý chủ quan tự mua thuốc về chữa cho con. Đến khi thấy trẻ ho nặng, bị tím tái mới đưa vào viện thì đã trong tình trạng nguy kịch vì suy hô hấp. Trong những ngày đầu trẻ bị ho gà các biểu hiện của bệnh rất giống với cảm cúm, ho, sốt thông thường nên dễ bị bỏ qua.

Tiêm vắc-xin giúp phòng bệnh

Các bác sĩ cho biết hiện nay, tiêm vắc-xin là cách phòng bệnh ho gà hiệu quả nhất. Đối với phụ nữ mang thai, tiêm phòng đầy đủ giúp bảo vệ thai nhi ngay từ thời kỳ bào thai. Đối với trẻ nhỏ, gia đình cần chú ý cho trẻ tiêm đầy đủ 3 mũi vắc-xin 5 trong 1 phòng bệnh ho gà.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh có tính lây truyền rất cao nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học… Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn. Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản-phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.