GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp cho rằng, việc thay đổi phù hợp với xu thế thế giới. Tuy nhiên, xét về thực tế hiện nay có rất nhiều băn khoăn. Thực trạng đào tạo và chuẩn “đầu ra” ở các loại hình đào tạo gồm chính quy, vừa học vừa làm và từ xa ở Việt Nam đang không có sự tương đồng về chất lượng cho dù là giảng dạy cùng một chương trình, cùng giảng viên, cùng các điều kiện tiếp nhận kiến thức,... Nguyên nhân do quá trình đào tạo và khâu đánh giá khác nhau.
“Nếu thực sự chúng ta muốn coi hai loại bằng cấp (chính quy và không chính quy) này tương đương thì phải siết chặt các công đoạn, các quy trình từ khâu tuyển sinh, khâu đào tạo và đến khâu đánh giá” - GS. Trần Văn Chứ nói.
PGS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội đồng tình với thay đổi này nhưng điều kiện kèm theo là phần đánh giá của các loại hình đào tạo phải như nhau.
“Nhưng tôi e rằng như thế rất khó. Hiện tại, nếu lấy thang đo của đào tạo chính quy áp sang hệ vừa học vừa làm chắc chắn tỷ lệ tốt nghiệp sẽ rất thấp” - PGS Trần Văn Tớp nói.
Theo ông, nếu không ghi hình thức đào tạo lên văn bằng thì phải có phụ lục kèm theo. Trên đó phải có các thông tin kết quả học tập, chuyên ngành đào tạo, thời gian đào tạo, người nhận tấm bằng có khả năng đào tạo tiếp tục ra sao.
Mặt khác, PGS Trần Văn Tớp cũng khẳng định nếu không ghi xếp loại học lực lên văn bằng, nguy cơ mất động lực phấn đấu của người học là điều có thể xảy ra. Đồng ý với quan điểm này, GS Trần Văn Chứ cho hay nếu không ghi hạng bằng (xuất sắc, giỏi,...) rất dễ kéo theo sự cào bằng giữa người học, điều này có thể vô tình làm giảm động lực phấn đấu của người học.
Lấy gì đo giá trị tấm bằng?
Đứng dưới góc độ nhà tuyển dụng, bà Trần Thị Thu Hương, Trưởng phòng Hành chính nhân sự, Cty TNHH Shihen Việt Nam, cho biết khi tuyển dụng, bà quan tâm xem ứng viên của mình tốt nghiệp trường ĐH nào, loại hình đào tạo, chuyên ngành gì. Theo bà Hương hệ chính quy, công tác đào tạo quy chuẩn, nghiêm túc hơn rất nhiều so với đào tạo từ xa, đào tạo mở rộng, văn bằng 2... Việc mua điểm, học hộ ở hệ chính quy cũng hạn chế hơn.
“Năng lực thi đầu vào, thái độ, kinh nghiệm, tầm của mỗi ứng viên ở mỗi hệ đào tạo khác nhau. Nhà tuyển dụng sẽ có cách đánh giá, giao việc khác nhau. Ví dụ, chọn một ứng viên làm hạt giống để đào tạo từ không thành chủ chốt, nhà tuyển dụng sẽ chọn ứng viên tốt nghiệp hệ chính quy vì các ứng viên này có đầu vào cao hơn, đào tạo nghiêm túc hơn” - bà Hương nói.
GS Trần Văn Chứ cho hay, hệ đào tạo nào không quan trọng với các Cty tư nhân, Cty có vốn đầu tư nước ngoài bởi họ cần nhân sự đáp ứng được yêu cầu vị trí việc làm. Nhưng với các cơ quan nhà nước khi tuyển dụng cán bộ lại khác.
“Bây giờ, khi các loại văn bằng ĐH có giá trị như nhau chắc sẽ có nhiều người đủ chuẩn để tuyển dụng và bổ nhiệm chức vụ nhằm đảm nhận nhiều công việc trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Dù vẫn biết, khi mọi cơ sở pháp lý đã có hiệu lực thì các văn bằng này có giá trị như nhau nhưng có lẽ khoảng cách về trình độ của các loại hình đào tạo này vẫn còn xa nhau nhiều lắm” - GS Chứ cho hay.
Để giá trị của bằng tốt nghiệp đại học chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau như quy định của Luật, GS Chứ cho rằng, điều quan trọng là các trường ĐH phải có trách nhiệm hơn, không đào tạo dàn trải; không nên tuyển sinh bằng mọi giá để đủ chỉ tiêu, số lượng mà phải có sự chọn lọc.
“Với thực tế ở Việt Nam hiện nay và 5 năm tới vẫn còn nhiều trường đại học tổ chức đào tạo chạy theo lợi nhuận, người học chỉ cần bằng cấp mà không coi trọng kiến thức thì xã hội cũng khó có thể coi trọng hai bằng cấp của hai hệ đào tạo này có chất lượng tương đương” - GS Chứ nhấn mạnh.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, việc bỏ những thông tin như xếp loại, loại hình đào tạo trên bằng tốt nghiệp của sinh viên là cần thiết song thời điểm này chưa phù hợp, cần phải có lộ trình. “Nguyên do là tình hình kinh tế- xã hội, văn hóa, ý thức của Việt Nam ta chưa phát triển so với các nước đang thực hiện hình thức này nên có khả năng sẽ tạo kẽ hỡ để người học lợi dụng, lách luật”, ông Dũng nói.
TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý phát triển Khoa học và công nghệ, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam, nền giáo dục còn cần thêm nhiều thời gian và sự quyết tâm để theo kịp các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới thì thông tin xếp loại trên bằng cấp cũng cần thiết, đó là tín hiệu quan trọng cho sự lựa chọn của nhà tuyển dụng, và cũng là sự ghi nhận quan trọng nhằm khuyến khích những người có nhiều cố gắng trong học tập và đạt loại tốt nghiệp cao.
“Với thực tế ở Việt Nam hiện nay và 5 năm tới vẫn còn nhiều trường đại học tổ chức đào tạo chạy theo lợi nhuận, người học chỉ cần bằng cấp mà không coi trọng kiến thức thì xã hội cũng khó có thể coi trọng hai bằng cấp của hai hệ đào tạo này có chất lượng tương đương” . GS Trần Văn Chứ