Quy định chỗ 'an cư' cho GS, PGS, giảng viên: Sinh viên gánh chi phí?

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa
TPO - Quy định đầu tư cơ sở vật chất để xây dựng, bố trí phòng làm việc riêng cho giáo sư, phó giáo sư ít nhất 10 m2 /người sau gần 10 năm vẫn chưa đi vào thực tế.

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo lần 1 về thông tư Quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo để lấy ý kiến.

Đáng chú ý nhất trong dự thảo này là định mức, tiêu chuẩn diện tích làm việc của GS là 24m2, PGS cần 18m2; mỗi giảng viên chính, giảng viên cần có diện tích làm việc 10m2. Bên cạnh đó, cứ mỗi 20 phòng học cần có 1 phòng nghỉ cho giảng viên. Trong đó, diện tích chuyên dùng là 3 mét vuông/giảng viên, với diện tích không nhỏ hơn 24m2/phòng.

Về cơ sở đào tạo, dự thảo yêu cầu mỗi đơn vị cần có tối thiểu 1 hội trường với quy mô từ 250 chỗ trở lên, 1 giảng đường quy mô từ 200 chỗ trở lên, tối thiểu các giảng đường với quy mô từ 100 chỗ trở lên…

Các phòng học thông thường dưới 100 chỗ đảm bảo số phòng học đáp ứng quy mô đào tạo của cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó cần đảm bảo số phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng, trại thực hành đáp ứng quy mô, chuyên ngành đào tạo của cơ sở đào tạo.

Ngoài ra, mỗi cơ sở đào tạo có tối thiểu 1 trạm y tế với tổng diện tích chuyên dùng là 300 mét vuông, bao gồm phòng trạm trưởng và y bác sĩ trực, phòng khám, phòng tiêm và thủ thuật, phòng y tá hồ sơ kiêm phát thuốc, kho thuốc và dụng cụ, phòng bệnh nhân, phòng bệnh nhân nặng và cách ly, phòng ăn cho bệnh nhân.

PGS. Tạ Hải Tùng, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện nay không có quy định, không có đầu tư của nhà nước nên các trường không quan tâm đến chỗ “an cư” của GS, PGS, giảng viên.

“Các trường ĐH Việt Nam cần phải hướng tới chuẩn chung của quốc tế là các GS, PGS phải có phòng thí nghiệm riêng chứ 24m2 còn ít” – PGS. Tạ Hải Tùng nói.

Đứng dưới góc độ giảng viên của một trường ĐH ngoài công lập, TS. Hoàng Minh Hải cho rằng, quy định này rất văn minh, hợp xu hướng quốc tế nhưng sẽ khó thực thi trong điều kiện hiện tại khi mà cơ sở vật chất các trường đang còn nhiều yếu kém như hiện nay.

Nhất là với các trường ngoài công lập. Một số trường công lập cũng gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Có trường còn đang phải đi thuê chỗ học cho sinh viên ở khắp nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội.

"Nếu ngân sách nhà nước không đầu tư thì chi phí tạo chỗ ngồi cho giảng viên sẽ phải lấy từ học phí của sinh viên” – TS. Hoàng Minh Hải cho hay.

Theo Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 - 2020 vừa được Bộ GD&ĐT phê duyệt, sẽ đầu tư cơ sở vật chất để xây dựng, bố trí phòng làm việc riêng cho giáo sư, phó giáo sư (ít nhất 10 m2 /người). Thế nhưng, sau gần 10 năm, quy định này vẫn chưa đi vào thực tế.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.